Cổ vũ, khơi dậy khát vọng cống hiến dựng xây xã hội chủ nghĩa và đất nước hùng cường trong thanh niên

509

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khẳng định những giá trị chân lý không thay đổi của chủ nghĩa xã hội, cung cấp thế giới quan đúng đắn, truyền lửa, hiệu triệu và cổ vũ hàng triệu thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, cống hiến dựng xây đất nước giàu mạnh hùng cường.

Gần 100 năm trước đây, năm 1945, Việt Nam có hơn hai triệu người chết đói, số người chết la liệt trở thành nỗi tủi nhục và đau thương không thể nào quên của dân tộc. Một dân tộc trước đó trong lịch sử đã từng cường thịnh, đánh tan những đạo quân xâm lược tàn ác, thiện chiến bậc nhất thế giới như Mông Cổ, Đại Minh, Mãn Thanh… đã bị chia thành các xứ Bắc, Trung, Nam Kỳ để dễ bề cai trị; hơn 20 triệu dân sống lầm than dưới ách thống trị của đế quốc Pháp, phát xít Nhật, bị đối xử và thống trị như những kẻ nô lệ, hạ đẳng.

Các tầng lớp sĩ phu yêu nước, những lớp thanh niên trẻ hùng tâm tráng trí đã tốn không biết bao trăn trở, tâm tư, máu và nước mắt cống hiến cho khát vọng về một đất nước tự do, trả lại vị thế và tầm vóc vốn có của nó, nhưng cơ bản là bất lực trong việc tìm ra con đường đúng. Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học bị đưa lên đài xử tử, cụ Phan Châu Trinh bị giam cầm đập đá ở đảo Côn Lôn, cụ Phan Bội Châu không thành công trong việc đưa thanh niên Đông du tìm ánh sáng đồng chủng đồng văn, máu đỏ da vàng… Chỉ đến khi người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành, hội tụ khát khao của lớp lớp những người trẻ Việt Nam, rời bến Nhà Rồng, vượt trùng dương ra đi tìm đường cứu nước, gặp được ánh sáng chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Khi cầm bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin, Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Mác – Lê nin như là số phận và định mệnh, cũng là sự gắn kết, khai thông cho những bế tắc, bất lực của rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường đi tìm lại tôn nghiêm cho dân tộc, cơm áo cho nhân dân và mưu cầu hòa bình, thịnh vượng cho đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 thu non sông về một mối đã khẳng định chân lý đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội chính là nền tảng, cội nguồn những thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Công cuộc đổi mới sau hơn 35 năm đã mang lại diện mạo mới, cơ đồ, vị thế phát triển chưa từng có cho đất nước, nhưng, trong trong dòng chảy của kinh tế thị trường, của những mưu cầu kinh tế sôi động, có những nơi, những lúc đã xuất hiện hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn” trong thanh niên, những giá trị chân lý và khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội bị một bộ phận thanh niên tạm thời xem nhẹ, lãng quên.

Trong bối cảnh đó, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là một sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời, khẳng định những giá trị chân lý không thay đổi của chủ nghĩa xã hội, cung cấp thế giới quan đúng đắn, truyền lửa, hiệu triệu và cổ vũ hàng triệu thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, cống hiến dựng xây đất nước giàu mạnh hùng cường như tâm niệm, trông đợi của biết bao thế hệ cha anh đi trước.

Thứ nhất, giúp cho thanh niên có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là chân lý không thể thay đổi của dân tộc và nhân loại.

Bài viết đã khái quát hóa, chỉ ra những bước thay đổi to lớn lịch sử nhân loại trong giai đoạn mấy chục năm vừa qua, chỉ ra nguồn gốc và xu hướng phát triển của chủ nghĩa xã hội, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa Liên Xô chỉ là bước khủng hoảng theo chu kỳ đặt nền móng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo, phê phán những quan điểm sai lầm, sự mất niềm tin, phương hướng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết cũng phân tích làm rõ sự phát triển và những ưu thế gần đây của chủ nghĩa tư bản như đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, khoa học – công nghệ; trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước.

Tuy nhiên bài viết cũng cho thấy hiện thực sự đổ vỡ và bất lực của chủ nghĩa tư bản trước nhiều vấn đề nóng bỏng của nhân loại và toàn cầu, minh chứng qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 – 2009; các vấn đề xã hội như đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, sự trầm trọng hơn trong những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc…Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Thực tế đó đã gây ra nhiều bất bình và cuộc sống bế tắc, nổi loạn trong không ít thanh niên ở các nước tư bản. Chỉ ra sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản, nhà nhân học và xã hội học Paul Jorion trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản giãy chết” đã viết: “Tiền sinh ra tiền, người giàu ngày càng cho vay nhiều và lấy tiền thừa thãi chủ yếu dùng vào việc đầu cơ, còn các hộ tiêu dùng thì rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một khi không còn đủ số người tham dự thì trò chơi ấy sẽ chấm dứt” (1). Thực tiễn cũng cho thấy, trong các nước tư bản phát triển ở đỉnh cao đã xuất hiện rất nhiều nhân tố của chủ nghĩa cộng sản.

Thứ hai, giúp cho thanh niên cái nhìn toàn diện về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài viết cho rằng ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hành trình gian nan tìm đường cứu nước, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú lãnh đạo Đảng, đưa dân tộc đến đài vinh quang của độc lập tư do và giải phóng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Trong những năm chiến tranh giành lại độc lập và giải phóng đất nước, các giá trị tốt đẹp này đã trở thành động lực thổi bùng lên sức mạnh sức mạnh toàn dân làm nên những chiến thắng thần kỳ, làm chấn động lương tri nhân loại. Vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, trong bối cảnh quốc tế chứa đựng đầy rẫy những nguy cơ thách thức, sự kiên định giữ vững niềm tin với Đảng, với định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền tảng đưa con thuyền Việt Nam vượt qua những thác ghềnh lịch sử, từ một nước đói nghèo đã trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, thu nhập đầu người và nội lực quốc gia ngày càng gia tăng, ghi những dấu ấn đậm nét về ngoại giao, đối ngoại với bạn bè quốc tế. Thực tiễn đó cho thấy, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là chìa khóa giải quyết triệt để những vấn đề từ quá khứ lịch sử, hiện tại và tương lai công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả nhân dân.

Thứ ba, chỉ ra những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, cũng là sự trùng hợp, hội tụ với lý tưởng và giá trị sống của thanh niên và dân tộc Việt Nam.

Bài viết cho rằng chủ nghĩa xã hội là sự phát triển thực sự vì con người, kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”. Chủ nghĩa xã hộicần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người. Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trùng hợp, chính là sự kết tinh các giá trị nhân đạo, nghĩa tình, yêu thương đùm bọc, lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, muôn sự vì dân, do dân được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử chiến đấu với kẻ thù hung bạo, với thiên nhiên khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam.

 

Thanh niên Việt Nam đang có những thế mạnh và nguồn năng lượng lớn, có khát vọng cống hiến, mong muốn được làm việc, khởi nghiệp, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ, vươn lên làm giàu, cống hiến cho quê hương, đất nước. Khát vọng và nỗ lực của thanh niên trong học tập, lao động chính là những viên gạch dựng xây nên tòa nhà chủ nghĩa xã hội đàng hoàng to đẹp; đất nước giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045.

 

Trong những khó khăn của thiên tai bão lũ, trong cơn bão tố của đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành, chúng ta luôn thấy sự ngời sáng của tình đồng bào – đồng chí – đồng đội nghĩa tình, thắm thiết, nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Hàng triệu y bác sỹ, công an quân đội, thanh niên tình nguyện đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền hướng dẫn cách phòng chống, tiêm vắc xin, khẩn trương hỗ trợ người dân cách ly bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men… đối phó những thách thức khắc nghiệt của đại dịch. Những cây ATM gạo, oxy, những tấm lòng vàng đóng góp cho Quỹ Vaccine là minh chứng ngời sáng cho những giá trị tốt đẹp của dân tộc hòa quyện trong lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trên những mặt trận khó khăn, nóng bỏng, in đậm nghĩa tình đó luôn xuất hiện hình ảnh màu áo xanh xung kích, tình nguyện của thanh niên, hiện thân cho khát khao đóng góp, cống hiến vì cộng đồng và hạnh phúc nhân dân của những người trẻ Việt Nam.

Thứ tư, chỉ ra cho thanh niên thấy những khó khăn, thách thức của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và gợi ra ý thức, trách nhiệm và hành động của thanh niên.

Bên cạnh những thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn thách thức như về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Điều này cũng được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ ra như tham nhũng vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong chế độ; một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng, tính tiền phong, gương mẫu giảm sút. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội còn nhiều vướng mắc, bất cập. Luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu ở nhóm hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…Rõ ràng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam gặp vô số những rào cản và nhiều thách thức còn đang chờ đợi ở phía trước. Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trở thành một quốc gia trỗi dậy, một cường quốc tầm trung, chứ không phải chỉ là một “con hổ giấy” như nhiều phân tích quốc tế nêu ra, đòi hỏi sự bền gan vững chí, quyết tâm lớn với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ mà đột phá là sự cộng hưởng ý Đảng lòng Dân, phát huy cao độ nhân tố con người, thu hút công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao. Tinh thần đó phụ thuộc nhiều vào thái độ, tâm cảm và hành vi của thanh niên, có “đau” với nỗi đau mất nước của các thế hệ trước; có “cảm” với những khó khăn, gian nan của dân tộc; có “xấu hổ” với sự tụt hậu, đi sau của đất nước; có sẵn sàng tinh thần “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho đất nước hôm nay” mới phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, bằng tâm sức, trí tuệ đóng góp toàn diện cho sự phát triển, đi lên của Tổ quốc.

Thứ năm, đánh thức những khát vọng cống hiến dựng xây xã hội chủ nghĩa và đất nước hùng cường trong thanh niên.

Trong một phát biểu, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình hay tụt hậu về kinh tế, mà chính là thiếu ý chí vươn lên và thiếu quyết tâm hành động. Bài viết của Tổng Bí thư tuy mang đậm tính lý luận, hàn lâm, tổng kết rất cao nhưng cũng là những gợi ý hết sức gần gũi, thiết thực và đặt ra yêu cầu, đánh thức khát vọng, khơi dậy ý chí và quyết tâm hành động trong mỗi thanh niên. Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ quan điểm thanh niên là tầng lớp kế cận, là giường cột và tương lai của nước nhà, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tất yếu cần bắt nguồn từ nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thanh niên và do các lực lượng thanh niên đi đầu thực hiện. Thanh niên Việt Nam hôm nay từ thành thị đến nông thôn, ở trong nước và ở ngoài nước,đang có những thế mạnh và nguồn năng lượng lớn, có khát vọng cống hiến, mong muốn được làm việc, khởi nghiệp, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ, vươn lên làm giàu, cống hiến cho quê hương, đất nước. Khát vọng và nỗ lực của thanh niên trong học tập, lao động chính là những viên gạch dựng xây nên tòa nhà chủ nghĩa xã hội đàng hoàng to đẹp; đất nước giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045.Tuy nhiên, may mắn hơn các thế hệ sĩ phu, thanh niên yêu nước đi trước, các lớp thanh niên hiện nay có điều kiện thuận lợi và cần được xây dựng, bồi dưỡng hình thành con đường và những định hướng đúng. Đảng, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, bồi đắp, vun trồng, giáo dục và phát huy sức trẻ thanh niên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên cần được tiếp cận, học tập tư tưởng và thực hành chủ nghĩa xã hội thông qua nhiều nhiều hình thức, phương pháp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý thuyết và thực hành, giữa lắng nghe chiêm nghiệm và làm theo, giữa lý luận kết hợp với thực tiễn tham gia các phong trào hành động cách mạng.Nhìn ra bên ngoài, thập niên 50 của thế kỷ trước, Nhật Bản từ một quốc gia có năng suất lao động thấp, thu nhập GDP đầu người mức 1.000 USD/năm, chỉ sau khoảng 6.000 ngày “thần kỳ” từ 1955 đến 1973, với tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 10%, đã thay đổi hoàn toàn vị thế, trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tương tự là Hàn Quốc, quá trình phát triển “thần kỳ” kéo dài từ năm 1977 đến năm 1995 với tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 9% (2). Trong những năm gần đây, Việt Nam đang có sự chuyển dịch phát triển mạnh, thông qua thu hút đầu tư, tăng cường phát huy nội lực, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đang dần trở thành một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế. Chiến thắng đại dịch COVID – 19 trong năm 2021, chắc chắn sẽ trả lại dư địa rộng lớn để Việt Nam khơi thông tiềm năng tăng trưởng, tạo ra bước phát triển đột phá, kiến tạo lên hành trình “thần kỳ” mang màu sắc và bản lĩnh riêng có của con người và tuổi trẻ Việt Nam.

 

Thanh niên cần được tiếp cận, học tập tư tưởng và thực hành chủ nghĩa xã hội thông qua nhiều hình thức, phương pháp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý thuyết và thực hành, giữa lắng nghe chiêm nghiệm và làm theo, giữa lý luận kết hợp với thực tiễn tham gia các phong trào hành động cách mạng.

 

Tư tưởng bài viết của Tổng Bí thư từ tầm cao lý luận, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp thanh niên cần được chuyển tải thành những bài học cụ thể, dễ gần, dễ tiếp cận hơn đối với từng đối tượng, từng nhóm thanh niên như công nhân, nông dân, tri thức, nhà khoa học, đồng bào dân tộc thiểu số hay thanh niên đang học tập, lao động ở nước ngoài… thông qua các kênh như các bài giảng, chương trình học tập trong nhà trường, sinh hoạt thông qua hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội, sinh hoạt Đảng; thông qua các bài viết, mô hình, số liệu minh họa của các cơ quan truyền thông, các trang mạng xã hội để thanh niên dễ dàng thấu hiểu, học tập và làm theo.

 

TS. Nguyễn Phú Trường

Ban Tuyên giáo Trung ương


(1) http://nghiencuuquocte.org/2020/03/12/chu-nghia-tu-ban-dang-di-toi-sup-do

(2) GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda – Nhật Bản

 

Nguồn tuyengiao.vn

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây