Tình cảm của Bác Hồ với giai cấp nông dân

1748

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân. Người bôn ba tìm đường cứu nước vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “ruộng đất về tay dân cày”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.

    Nông dân Việt Nam là lực lượng to lớn của cách mạng. Họ đã không ngại gian khổ hy sinh, tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hơn ai hết, Bác thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những con người ấy.

    Mỗi bữa ăn, Bác thường chú ý không để rớt một hạt cơm nào, Bác coi việc lãng phí mỗi hạt cơm là lãng phí mồ hôi công sức của đồng bào, đồng chí. Trong Di chúc, Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.


Bác Hồ thăm bà con xã viên HTX Tháp Thượng, Đan Phượng, Hà Nội thu hoạch vụ mùa.

    Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại: sau chuyến thăm của Bác với bà con nông dân tại cánh đồng xã Xuân Phương, Từ Liêm vào sáng 14-5-1965, khi mọi người đã về hết, một lão nông tóc bạc, cứ chống cuốc hết nhìn theo dấu chân Bác Hồ trên ruộng lúa, lại ngước mắt lên bầu trời xanh ngắt mà thốt lên sung sướng “phải chăng dân ta đang được sống lại thời Nghiêu Thuấn”.

    Chuyện Nghiêu Thuấn xa xôi, vua và dân là một, có thể thực, có thể hư, nhưng nước Việt Nam từ khi có Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước, dân tộc Việt Nam đã thực sự sống trong hạnh phúc. Họ được hưởng quyền làm người, được đứng thẳng làm người, làm dân của một nước độc lập, tự do mà người mang lại cho họ điều đó chính là vị Chủ tịch nước đặc biệt ấy.

    Khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc diễn ra ác liệt, Bác dành thời gian xuống tận các hợp tác xã thăm hỏi, động viên nông dân. Hình ảnh Bác xắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống úng với bà con là những hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

    Khi biết tin đê sông Hồng ở khu vực Hưng Yên, Thái Bình bị vỡ, Bác trực tiếp xuống kiểm tra việc khắc phục hậu quả. Bác hỏi cặn kẽ có mấy người bị nạn, dặn dò trước hết phải lo cái ăn để dân khỏi đứt bữa, sau đến nơi ở và ổn định sinh hoạt cho mọi người, tập trung nhân tài vật lực để đắp lại chỗ đê bị vỡ. Bác hứa khi nào đắp xong Bác sẽ xuống thăm.

    Giữ đúng lời hứa, 4 tháng sau Bác xuống dự khánh thành đoạn đê vừa mới đắp. Bác đi kiểm tra, nhìn chỗ giáp ranh đê mới đê cũ, Bác nhắc nhở phải tăng cường gia cố mới an toàn. Bác khen đắp nhanh nhưng chưa lèn chặt, cần tăng cường lực lượng đầm thật kỹ mới đảm bảo lâu dài.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội.

    Trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” vào tháng 2-1951, Bác viết: “Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Bức thư đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác với giai cấp nông dân và sản xuất nông nghiệp.

    Khi đến thăm đồng bào, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Đứng trước bà con, Bác không đọc diễn văn mà ân cần chuyện trò thăm hỏi.

    Một lần về xã Đại Nghĩa, Hà Đông nói chuyện với cán bộ xã viên hợp tác xã nông nghiệp, Bác đưa ra những con số cụ thể làm bà con ngỡ ngàng. Bác nói: Xã có 600 hộ mà chỉ mới nuôi được có 500 con lợn như vậy là ít, mỗi hộ chưa được một con, còn gà vịt bình quân mỗi hộ cũng chỉ có 10 con, vì vậy xã phải đẩy mạnh chăn nuôi…

    Những năm tháng cuối đời, Bác vẫn dành nhiều thời gian làm việc với các đồng chí phụ trách nông nghiệp. Họp Bộ Chính trị hay các buổi làm việc về nông nghiệp, Bác thường nhắc bản Điều lệ Hợp tác xã. Bác bảo: Công nhân có ngày kỷ niệm thì nông dân cũng phải có ngày kỷ niệm, nên lấy ngày ban hành Điều lệ Hợp tác xã làm ngày kỷ niệm cho nông dân. Bác dặn, viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được. Sau khi đọc Bản dự thảo, Bác nói đây là bản dùng cho cán bộ, đối với xã viên thì viết phải gọn hơn, dễ hiểu hơn… 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
 
    Trước khi đi xa, người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng chí, đồng bào. Bản Di chúc kết tinh tư tưởng, tình cảm vì con người của Bác ngắn gọn, súc tích nhưng dung dị, chứa đựng tình cảm bao la như trời biển. Bản Di chúc được Người viết, bổ sung, sửa chữa nhiều lần, lần nào cũng có những dòng, những đoạn dành cho nông dân.

    Trong phần bổ sung Di chúc được Bác viết tháng 5-1968, Bác dành một đoạn nói về giai cấp nông dân Việt Nam. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

    Thực hiện theo Di chúc của Người, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 7 đã ra Nghị quyết “Thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Miễn giảm thuế nông nghiệp tiến tới hạn chế và xoá bỏ dần những đóng góp ở khu vực nông thôn để người nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thực hiện theo đúng tinh thần và mong muốn của Người.

    Thực hiện Di chúc của Bác, làm theo lời Bác, vấn đề nông nghiệp – nông thôn -nông dân đã được đặt lên bàn nghị sự và ngày 5-8-2008, Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã xác định rõ “Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Theo đó, một loạt vấn đề về nông nghiệp – nông thôn – nông dân đã trở thành những vấn đề thời sự của đất nước.

Trích nguồn báo Ấp Bắc

                                                          Đào Ngọc Sáu (sưu tầm tháng 9/2015)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây