Những dấu mốc qua các kỳ Đại hội Đảng (Phần 2)

994

Đại hội VII: Đại hội của trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới được Đảng đề ra từ đại hội lần thứ VI (12/1986) bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhờ đó mà nước ta đã đứng vững và tiếp tục phát triển.

Đại hội họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 24 đến 27/6/1991 với 1.176 đại biểu đại diện cho 2.155.022 đảng viên. Đại hội đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương (khoá VII) gồm 146 ủy viên, bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công là cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.

Ảnh:

Ảnh tư liệu.

Thành công của đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, cột mốc mới trong tiến trình cách mạng Việt Nam, khẳng định đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc là quá trình không thể đảo ngược.

Đại hội VIII: Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh

Đến năm 1996, công cuộc đổi mới đã tiến hành được 10 năm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, tạo được nhiều tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong hoàn cảnh đó, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2,13 triệu đảng viên trong cả nước.

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII bao gồm 170 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức vụ Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội lần thứ VIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội IX: Trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới

Đại hội diễn ra trong bối cảnh loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, dân tộc ta đứng trước những thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn.

Đại hội họp tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/4/2001, với sự tham gia của 1.168 đại biểu, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội IX đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001-2010 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005. Đại hội cũng thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành trung ương khoá IX gồm 150 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng bí thư.

Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại hội X: Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI.

Ảnh:

Ảnh tư liệu.

Đại hội họp từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006 tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bầu ra Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban bí thư trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng bí thư.

Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010 chỉ rõ mục tiêu giai đoạn 2006-2010 là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thành công của đại hội X của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

(Theo Chinhphu.vn, Trang tin Đại hội Đảng XI)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây