Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi

700

I. Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán

      Tết Nguyên Đán không chỉ thể hiện sự giao giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

      Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.

      Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững.

Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.

      Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới.

Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông.

      Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc“làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”... Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”.

      Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

II. Các sự kiện kỷ niệm

      Trong những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại các địa phương trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cùng những chương trình vui chơi, giải trí hấp dẫn được tổ chức chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019); đón mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.

      Thành phố Hà Nội là địa phương có dày đặc các chương trình văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật ở khu vực bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân trên các quận, huyện, khu công nghiệp, chế xuất vào dịp Tết Nguyên đán.

      Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi diễn ra từ ngày 29/1 – 17/2, bên cạnh việc tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, xin chữ ông đồ, du khách còn được chiêm ngưỡng 30 bức thư pháp chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Văn hiến”; tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó, tìm hiểu về 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; tham gia các trò chơi dân gian…

      Trong đêm giao thừa, ngoài việc tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm khác nhau, người dân Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật phong phú như “Tết là hy vọng” diễn ra tại tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Bên cạnh đó là chương trình chào đón Tết Kỷ Hợi vào lúc 22 giờ tại quảng trường Cách mạng tháng Tám (Nhà hát Lớn Hà Nội), khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, khu vực hồ Văn Quán, trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

      Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong những ngày đầu xuân mới, người dân thủ đô, du khách trong và ngoài nước sẽ được tham gia vào một chương trình đặc biệt mang chủ đề “Vui xuân Kỷ Hợi: Sắc thái văn hóa Bắc Giang” với các hoạt động trình diễn, giao lưu, khám phá văn hóa Bắc Giang. Theo đó, trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10/2 (tức ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch), công chúng đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ được thưởng thức hát Soong hao của người Nùng, hát Soọng cô của người Sán Dìu, các làn điệu dân ca quan họ Thổ Hà, trải nghiệm trò chơi cầu móc sôi động với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người Việt ở Bắc Giang; thưởng thức hương vị ẩm thực của địa phương như: bánh đa Kế, chè kho Mỹ Độ, chim câu rang riềng. Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm và làm giấy truyền thống của người Cao Lan…

Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia các hoạt động mang đậm sắc thái Tết cổ truyền như xin chữ đầu năm mới, tìm hiểu ý nghĩa, phong tục của dân tộc, giao lưu với nghệ nhân in tranh Đông Hồ và tự tay in những bức tranh mình yêu thích; trải nghiệm nhiều trò chơi của một số dân tộc như nhảy chữ thập của dân tộc Khơmú, nhảy rùa của dân tộc Dao, đi cà kheo bỏ đũa vào lọ của dân tộc Thái và  Sán Chay, hay ném pao của người Mông…

      Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/2 (tức mùng 8 – 9 tháng Giêng), với sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 25 cộng đồng dân tộc đến từ 17 tỉnh/thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc; tái hiện các lễ hội truyền thống: Tái hiện Lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi; Giới thiệu nghi lễ đón Tết (trích đoạn Tết nhảy) của dân tộc Dao.

      Bên cạnh đó Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2019 còn có nhiều chương trình hội xuân hấp dẫn như: Chương trình giao lưu “Ngày hội mùa xuân” của các dân tộc tại Làng; Tết trồng cây – Mùa Xuân nhớ Bác; hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Hoạt động trò chơi dân gian ngày Xuân dân tộc: Nhảy Sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu… giao lưu tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Ê Đê, Tày; giới thiệu ẩm thực ngày Tết: bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy… tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú…

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP. Hà Nội tổ chức Lễ hội bơi chài thuyền rồng Hà Nội mở rộng trong 2 ngày 16 và 17/2 (tức 12-13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Hồ Tây; tổ chức chương trình “Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản và Triển lãm hoa Anh đào” tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và Nhà Bát Giác. Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các địa điểm công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã phục vụ nhân dân.

      Tại Quảng Ninh, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí như: Hoạt động đón giao thừa, tổ chức bắn pháo hoa vào ngày 4/2/2019 (đêm 30 Tết); các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian trong dịp Tết diễn ra trong các ngày từ mùng 5 – 9/2/2019 (tức ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết Kỷ Hợi); Lễ khai bút Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra ngày 10/2/2019 (tức mùng 6 Tết âm lịch); Trưng bày, triển lãm ảnh và hiện vật “Mừng Đảng – Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019” với chủ đề “Sắc màu văn hóa các Quốc gia ASEAN 3” từ nay đến ngày 12/2/2019 (mùng 8 Tết Kỷ Hợi); tổ chức hàng chục buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là các chiến sĩ, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

      Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch như: các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và du lịch, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân và du khách; chúc Tết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Hạ Long; đón và tặng hoa đoàn khách đầu tiên đến Hạ Long; đón và tặng hoa đoàn khách tàu biển, khách đi chuyến máy bay đầu tiên đến Hạ Long, sân bay Quốc tế Vân Đồn…

Người dân và du khách có mặt tại Thừa Thiên – Huế trong dịp năm mới Kỷ Hợi 2019  có thể xem và tham dự nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội đặc sắc. Cụ thể, trong đêm giao thừa, sẽ có hoạt động biểu diễn nghệ thuật kết hợp các hình thức hoạt náo, bắn pháo hoa đêm để chào đón năm mới. Trong đó, chương trình nghệ thuật chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước” diễn ra từ 22 giờ đến 0h15′ ngày 4/2 (đêm 30 Tết) tại Quảng trường Ngọ Môn. Chương trình nghệ thuật tại sân khấu Bia Quốc học; chương trình bắn pháo hoa tại hai điểm gồm công viên trung tâm thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) và khu du lịch Laguna Lăng Cô.

Trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên – Huế còn tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ người dân và du khách trong những ngày Tết như chương trình ca Huế, nghệ thuật tổng hợp vào lúc 19 giờ ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Kỷ Hợi); Lễ hội Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân trong ngày mùng 8 và 9 Tết Kỷ Hợi.

      Tại các huyện, thị xã, TP. Huế sẽ tổ chức một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Các trò chơi dân gian tại các công viên Thương Bạc, công viên Lý Tự Trọng, sân khấu Bia Quốc học, Trung tâm các huyện, thị xã vào các ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết Tết Kỷ Hợi); Thả diều nghệ thuật tại công viên Phu Văn Lâu vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Kỷ Hợi); Hội vật Thủ Lễ ở huyện Quảng Điền (mùng 6 Tết Tết Kỷ Hợi và hội vật làng Sình ở huyện Phú Vang (mùng 10 tháng Giêng).

Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí cho người dân tham quan trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết.

Thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức đêm nghệ thuật đón giao thừa có chủ để “Chào xuân Kỷ Hợi 2019” tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng với sự tham gia của các ca sĩ trong và ngoài tỉnh. Đêm hội sẽ kết thúc sau màn bắn pháo hoa tầm thấp với số lượng 120 giàn, thời lượng 15 phút.

      Tại T.P Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như: Hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn (kéo dài đến hết ngày 10/2 (tức ngày mùng 6 Tết Kỷ Hợi); Đường Hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Đường sách tại khu vực đưòng Mạc Thị Bưởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế (quận 1) được tổ chức từ ngày 2/2 đến ngày 8/2 (28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi).

Bên cạnh đó, từ ngày 4/2 đến ngày 6/2 (đêm 30 Tết đến ngày mùng 2 Tết Kỷ Hợi) còn diễn ra còn có các hoạt động đón giao thừa và các chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mừng Xuân Kỷ Hợi – Mừng Đảng quang vinh tại Công viên Gia Định – khu C; các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, ký túc xá, các khu công nghiệp và khu chế xuất; thực hiện trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND TP vào tối 4/2; bắn pháo hoa nghệ thuật vào đêm giao thừa.

      Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, T.P Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt truyền thống Cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh vào ngày 9/2 (mùng 5 Tết Kỷ Hợi) tại Đền Gia Định, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi; Chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 – 2019) vào ngày 9/2 (mùng 5 Tết Kỷ Hợi), tại sân khấu chính Hội Hoa xuân – Công viên Văn hóa Tao Đàn…

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây