Vương triều Nguyễn với những đối sách với thuyền buôn nước ngoài ở Hoàng Sa

890

Hoàng Sa là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong cương giới thống nhất của vương triều Nguyễn. Hầu hết các vua triều Nguyễn đều rất quan tâm đến Hoàng Sa vì đây là quần đảo tiền tiêu che chắn cho phần đất liền. Hơn nữa, Hoàng Sa còn là nơi nhiều thuyền buôn của các nước khác qua lại buôn bán.

Vì thế, ngay từ thời các chúa Nguyễn đã cho lập Hải đội Hoàng Sa với nhiệm vụ bảo vệ và đề phòng những biến cố trên quần đảo này. Một trong chính sách của triều Nguyễn thời bấy giờ là không muốn mở cửa cho người nước ngoài mà lịch sử vẫn gọi là chính sách “Bế quan tỏa cảng” nhưng trên quần đảo Hoàng Sa lại có những điểm khác biệt. Hoàng Sa là quần đảo nằm ở vị trí trung chuyển giao thông quan trọng trên biển. Vì vậy, đây là nơi qua lại của nhiều thuyền buôn nước ngoài ghé qua trong quá trình giao thương với nước ta và các nước trong khu vực. Triều Nguyễn có những thái độ tích cực nhưng luôn đặt quan điểm về chủ quyền đối với những thuyền buôn nước ngoài ở Hoàng Sa. Điều đó thể hiện bằng những việc làm cụ thể.

Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt) là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới”. Đây là nguồn tư liệu có giá trị và có tính chính xác cao. Qua khối mộc bản triều Nguyễn cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về thái độ của vương triều Nguyễn đối với thuyền buôn của người phương Tây tại quần đảo Hoàng Sa. Một trong những việc mà vương triều Nguyễn rất chú trọng là việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Không những đội Hoàng Sa có nhiệm vụ này mà ngay cả thuyền buôn của các nước nếu vẽ được bản đồ Hoàng Sa cũng được triều đình trọng thưởng.

Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh việc Vua Minh Mạng  cho giúp đỡ tàu nước Anh bị nạn mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836.Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh việc Vua Minh Mạng cho giúp đỡ tàu nước Anh bị nạn mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1836.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) chép: “Tháng 6, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho những người trên thuyền Mã Cao 20 lạng bạc”.

Việc thưởng bạc cho thuyền buôn Mã Cao khi đem địa đồ Hoàng Sa dâng lên triều đình đã cho thấy triều Nguyễn rất coi trọng đến công việc vẽ bản đồ Hoàng Sa vì đây là công việc quan trọng phục vụ cho quá trình khảo sát thủy trình. Việc triều đình cho các thuyền buôn nước ngoài đến Hoàng Sa cũng là xu hướng phát triển chung về tình hình giao thương thời bấy giờ. Bên cạnh việc thưởng cho các thuyền buôn nước ngoài có công trạng với Hoàng Sa thì triều Nguyễn cũng có những việc làm để giúp các thuyền buôn không gặp khó khăn khi ghé qua quần đảo Hoàng Sa.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 104, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chép: Vua bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.  

Hoàng Sa là một quần đảo xa đất liền và nằm giữa biển khơi. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này cũng tiềm ẩn nhiều những rủi ro đối với các thuyền buôn nước ngoài. Mộc bản triều Nguyễn đã phản ánh một số thuyền buôn đã bị nạn tại Hoàng Sa. Hai nguyên nhân chính làm thuyền buôn bị nạn là những cơn bão và nạn mắc cạn. Khi thuyền buôn gặp nạn tại Hoàng Sa, triều Nguyễn đã giúp đỡ về nhiều mặt để giúp các thuyền buôn nước ngoài khắc phục khó khăn. Đó là việc làm thể hiện tinh thần hòa hiếu và sự tương trợ của vương triều Nguyễn với người nước ngoài cho dù nhà Nguyễn thực hiện chính sách đóng cửa với bên ngoài nhưng cũng không thể thờ ơ trước việc thuyền buôn các nước gặp nạn tại Hoàng Sa.      

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 176, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) chép: “Mùa đông, tháng 12, thuyền buôn Anh Cát Lợi (tức nước Anh ngày nay) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu, vua nói: Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hóa. Thật rất đáng khen. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tùy tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước”.

Từ những việc làm đối với các thuyền buôn khi đi qua Hoàng Sa cho thấy một thái độ hòa hiếu của vương triều Nguyễn. Việc giao thương với bên ngoài có những chính sách cứng rắn nhưng vương triều Nguyễn luôn khuyến khích và giúp đỡ các thuyền buôn khi có những việc làm tốt liên quan đến Hoàng Sa. Thông qua các sách chính sử cũng chưa thấy phản ánh những tranh chấp của các thuyền buôn và nhà Nguyễn về lợi ích và chủ quyền tại Hoàng Sa vì các thuyền buôn biết rằng đây là lãnh thổ riêng của triều Nguyễn và vương triều Nguyễn được quyền làm những công việc trên quần đảo này. Triều Nguyễn có chủ quyền riêng đối với quần đảo Hoàng Sa và thái độ hợp tác hay không hợp tác với các thuyền buôn của nước ngoài cũng nằm trong khả năng của triều Nguyễn. Thực tế cho thấy, triều Nguyễn đã có những việc làm cụ thể thể hiện tinh thần tương trợ và luôn sẵn lòng giúp đỡ những thuyền buôn nước ngoài gặp nạn tại Hoàng Sa nhưng không bao giờ để các nước thao túng những việc ở Hoàng Sa vì đó là phần lãnh thổ không thể tách rời của triều Nguyễn./.

Nguồn: Theo baobinhdinh.com.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây