44 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

780

I. Ý nghĩa

      Cách đây 44 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

      Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

      Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

      Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

      Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

      Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra.

II. Các sự kiện kỷ niệm

Ngày 29-4, nhân Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2019) và 133 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng đoàn cán bộ thành phố đến thăm hỏi các gia đình mẹ liệt sĩ, người có công, đảng viên lão thành. 

      – Thành đoàn TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (xa lộ Hà Nội, phường Long Bình, quận 9) nhằm tri ân các Anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Tại đây, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước TP Hồ Chí Minh và đông đảo thanh niên tình nguyện đã dâng hương, thắp nến tại hơn 15.000 phần mộ của các Anh hùng, liệt sĩ. Phát biểu ý kiến tại Lễ thắp nến tri ân, đại diện tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đã bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ, của những người đã sống, chiến đấu, lao động không ngừng cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Với tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, tuổi trẻ thành phố nguyện kế thừa trung thành và xứng đáng truyền thống cách mạng vẻ vang, luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc. Được biết, trong những ngày này, hơn 3.000 bạn trẻ đồng loạt tham gia các hoạt động thắp nến tri ân hàng chục nghìn phần mộ Anh hùng, liệt sĩ tại sáu nghĩa trang ở các quận, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh.

      – Tỉnh đoàn Tiền Giang phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh và Ban Liên lạc Tiểu đoàn Ấp Bắc 2 tổ chức chương trình giao lưu giữa hai thế hệ, nói chuyện truyền thống tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho. Tại chương trình, các bạn trẻ đã được nghe các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm lịch sử của ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, truyền thống của phong trào thanh niên Tiền Giang tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Đây là hoạt động sinh hoạt chính trị của tuổi trẻ do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Hội Cựu chiến binh tổ chức nhằm giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng vẻ vang của dân tộc trong đoàn viên, thanh niên.

      – Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình “Biên giới trong trái tim tôi” và Hành trình “Thầy thuốc trẻ tình nguyện năm 2019” tại xã A Xan, huyện Tây Giang. Tại đây, các bác sĩ trẻ đã khám, tư vấn về cách chữa trị bệnh cho gần 500 người có công, già làng, trưởng bản, người dân tộc thiểu số, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chương trình đã trao Công trình khu vui chơi thiếu nhi tặng Trường mẫu giáo liên xã Tr’Hy, A Xan phân hiệu Chi Nôn và Trường tiểu học Mà Cooih, huyện Đông Giang; trao 10 suất học bổng Thắp sáng ước mơ và hai suất học bổng Nâng bước em đến trường tặng các em học sinh; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ BĐBP…

      – Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đến thăm, trao tặng quà và nhận phụng dưỡng chín Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống tại các phường, xã tại TP Thanh Hóa. Theo đó, Công ty hỗ trợ mỗi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng một triệu đồng/tháng, đồng thời sẽ tổ chức thăm hỏi thường niên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ. Được biết, từ năm 1995 đến nay, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã nhận phụng dưỡng 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.

      – Dịp lễ 30-4 và 1-5, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, du khách trong nước và nước ngoài. Chương trình biểu diễn nghệ thuật và triển lãm “TP Hồ Chí Minh – 44 năm năng động, phát triển và hội nhập” và triển lãm ảnh nghệ thuật đề tài biển đảo, quê hương được tổ chức tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, khu vực đối diện công viên Chi Lăng và Cung văn hóa lao động. Tại công viên Tao Đàn diễn ra Festival hoa lan đến hết ngày 1-5. Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) tổ chức sự kiện “Đầm Sen by night” với các hoạt động trình diễn la-de trên màn hình nước 3D mang lại trải nghiệm công nghệ cao được sử dụng tại những công viên giải trí hàng đầu thế giới. Tối nay 30-4, thành phố sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại ba điểm, trong đó hai điểm tầm cao và một điểm tầm thấp.

      – Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, tại huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), vừa diễn ra phiên chợ vùng cao với 34 gian hàng đến từ các Hợp tác xã và tiểu thương trên địa bàn huyện tham gia. Các mặt hàng tại phiên chợ là những sản phẩm nông sản và sản phẩm thủ công truyền thống riêng biệt của một số dân tộc. Tại phiên chợ còn có không gian văn hóa truyền thống với các hoạt động được tái hiện như: thi giã gạo, thi làm bánh A Koat, đan lát thủ công, trình diễn dệt vải thổ cẩm zèng và các trò chơi dân gian.

      – Ngày 29-4, tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Tiền Giang, Tổng cục Thể dục – Thể thao phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang tổ chức bế mạc giải vô địch các câu lạc bộ Pen-cát si-lát toàn quốc năm 2019. Đây là một trong những sự kiện thể thao kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước với sự tham gia của các vận động viên của 43 đội đến từ 21 tỉnh, thành phố, ngành trong cả nước. Kết quả, đoàn Hà Nội xếp thứ nhất toàn đoàn với chín Huy chương vàng (HCV), bốn Huy chương bạc (HCB) và một Huy chương đồng (HCĐ); đoàn Thanh Hóa đứng thứ hai với ba HCV, một HCB và ba HCĐ; đoàn Bộ Công an đứng thứ ba với ba HCV, một HCB, hai HCĐ.

      – Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, để tri ân những người có công với cách mạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) miễn phí vé vào cửa và thuyết minh miễn phí cho cựu chiến binh và thanh niên xung phong. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ của gần 200 cựu chiến binh và thanh niên xung phong… Bên cạnh đó, bảo tàng tổ chức các trò chơi dân gian dịp nghỉ lễ, hướng dẫn cho các em nhỏ các trò chơi dân gian như nối thúng, nhảy bao bố, ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, đẩy gậy…

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây