Thanh niên phải luôn “cháy” trong mình ngọn lửa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

687

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong nhiều vấn đề lớn của đất nước. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi mỗi thanh niên Việt Nam phải luôn “cháy” trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Mỗi bạn trẻ phải thể hiện ý chí, tài năng, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng nghỉ… Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh NGUYỄN ANH TUẤN với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp đầu Xuân năm mới Tân Sửu.

Trách nhiệm của thanh niên với phát triển đất nước rất lớn

– Là thủ lĩnh của thanh niên, Anh có thể chia sẻ đôi điều về sứ mệnh, trách nhiệm của thanh niên, Đoàn Thanh niên trong giai đoạn hiện nay?

– Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thể hiện rõ khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhân dân, trong đó có thanh niên kỳ vọng rất lớn vào thành công của Đại hội sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là ở 3 khâu đột phá. Đảng đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với sự tham gia của thanh niên để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn

Thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, được Đảng ta coi là “rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước”, “một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng. Chính vì vậy, trách nhiệm của thanh niên và Đoàn Thanh niên đối với sự phát triển của đất nước là rất lớn.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi mỗi thanh niên Việt Nam trước hết phải luôn “cháy” trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi bạn trẻ phải thể hiện ý chí, tài năng, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, thể hiện trách nhiệm quốc gia của mình bằng việc không ngừng nỗ lực vươn lên, đón nhận thời cơ mới, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Thanh niên sẽ là lực lượng quan trọng kiến tạo những giá trị mới, thành công mới.

Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đòi hỏi tổ chức Đoàn phải luôn làm mới mình, bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội. Đoàn phải truyền được cảm hứng, khơi dậy những khát vọng cao đẹp và hành động để hiện thực hoá những khát vọng đó trong mỗi thanh niên Việt Nam bằng những chương trình, hoạt động cụ thể. Ngay sau khi kết thúc Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã thảo luận Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành, tổ chức triển khai thực hiện, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

– Trong bài tham luận của mình tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, Anh có nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và xã hội vẫn trăn trở khi một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thiếu ý chí vươn lên. Theo Anh, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

– Tôi cho rằng nguyên nhân của thực trạng này đến từ nhiều phía, cả chủ quan lẫn khách quan. Với tư cách là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, được Đảng giao nhiệm vụ tập hợp, giáo dục, chăm lo và phát huy thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có trách nhiệm trước những hạn chế đó của thanh niên. Hạn chế trên đã được nhận diện, phân tích kỹ lưỡng nhưng thực tế việc triển khai các giải pháp để khắc phục còn chưa đồng bộ. Tuy đã có nhiều cố gắng, song chúng tôi tự nhận thấy mình vẫn chưa giải quyết thỏa đáng được những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với thanh thiếu nhi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế. Có nơi còn thiếu sáng tạo, thiếu đầu tư đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Một bộ phận cán bộ Đoàn, Hội, Đội còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp giáo dục thanh thiếu nhi…

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn thăm hỏi, chúc tết bà Lê Thị Huệ, cán bộ lão thành cách mạng ở P.Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: Trần Ngọc

Dù xã hội ngày càng phát triển nhưng còn một bộ phận gia đình, cha mẹ thiếu kiến thức, phương pháp giáo dục, chưa quan tâm chăm sóc, quản lý con em. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa làm một bộ phận nhỏ thanh niên mất định hướng, hoang mang, mơ hồ, hoài nghi về chế độ.

Thực trạng trên có nguyên nhân từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, đoàn thể và xã hội trong giáo dục thanh thiếu nhi còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, chưa là tấm gương để người trẻ học tập và noi theo. Nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, lối sống chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu nhi.

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên

– Nhận diện rõ tồn tại để có giải pháp. Vậy theo Anh, để khắc phục tồn tại này, cần có giải pháp gì?

– Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tôi cho rằng, cần có giải pháp tổng thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội.

Đối với tổ chức Đoàn, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ truyền thông số, công nghệ thông tin, đặt thanh niên làm chủ thể để đón đầu những xu thế phát triển mới của đất nước nói chung, giới trẻ nói riêng. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn theo Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030”, trong đó kiên trì và kịp thời đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý luận chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên. Tăng cường các biện pháp nắm nhanh, nắm chắc và định hướng kịp thời tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên trước những vấn đề mới nảy sinh, nhất là vấn đề còn nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông để giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu nhi, trong đó chú trọng tuyên truyền yếu tố tích cực, người tốt, việc tốt, hành động đẹp. Coi trọng giáo dục qua hoạt động thực tiễn bằng các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Theo đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các phong trào hành động cách mạng để khơi sức thanh niên, tập trung vào những phẩm chất nổi bật của thanh niên, đó là tình nguyện, sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích bảo vệ Tổ quốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh của đoàn viên; chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá…

Ngoài ra, mỗi đảng viên trong độ tuổi thanh niên, đặc biệt là cán bộ Đoàn các cấp cần nêu cao trách nhiệm nêu gương cho đoàn viên, thanh niên và thiếu niên, nhi đồng; cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII. Bên cạnh đó, có cơ chế động viên, khuyến khích, kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trẻ.

Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí quỹ đất, xây dựng, nâng cấp và phát huy có hiệu quả các thiết chế phục vụ hoạt động học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí bổ ích cho thanh thiếu nhi. Mở rộng, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn với các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi.

– Để nâng cao vai trò của thanh niên, Luật Thanh niên năm 2020 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Luật quy định việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên… Theo Anh, cần phải làm gì để quy định này của Luật đi vào cuộc sống, để tiếng nói của thanh niên được lắng nghe thực chất?

– Để triển khai thực hiện Luật Thanh niên có hiệu quả, rất cần có sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Trước hết, các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên đã quy định trong Luật Thanh niên.

Việc ban hành sớm các Nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Nghị định quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn mới là rất cần thiết để Luật Thanh niên được sớm đi vào cuộc sống.

Thanh niên là lứa tuổi trẻ trung, luôn có xu hướng tìm tòi, sáng tạo, ưa đối thoại. Trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần định kỳ, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, tin tưởng, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện, cổ vũ, động viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thông qua các diễn đàn do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức theo quy định của Luật Thanh niên.

Thực hiện trách nhiệm quy định trong Luật Thanh niên, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung ương Đoàn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới đây, Trung ương Đoàn sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát hiện, bồi dưỡng, phát huy thanh niên có tài năng, Đề án khởi nghiệp của thanh niên; Đề án thu hút cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành từ cơ sở tham gia công tác tại cơ quan Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp… Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các dự án, đề án hiện hành liên quan đến thanh niên thuộc lĩnh vực phụ trách để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án về thanh niên phù hợp với Luật Thanh niên. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên của Đoàn hàng năm; phối hợp tổ chức các hoạt động phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách đối với thanh niên và liên quan thanh niên. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp này, Luật Thanh niên sẽ sớm đi vào cuộc sống.

– Xin cảm ơn Anh!

 

 

Hà An – Báo điện tử Đại biểu nhân dân thực hiện

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây