Làm gì để hạn chế thất nghiệp khi ra trường?

935

Trong năm 2017, dự báo sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Để không nằm trong số này, các chuyên gia nhân sự khuyên rằng sinh viên nên trang bị thêm kỹ năng một ngành phụ bên cạnh ngành chính đang học

Thực tế trong những năm gần đây, cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác. Tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ tiếp tục tăng trong những năm qua. Theo các chuyên gia thì ngay trong năm 2017 này có khoảng 200.000 cử nhân sẽ thất nghiệp. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo nhiều chuyên gia nhân sự, các cử nhân có thể tự cứu mình không rơi vào tình trạng thất nghiệp nếu chú ý trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng một ngành phụ, bên cạnh ngành chính để đáp ứng yêu cầu thị trường đang đòi hỏi ngày càng cao hiện nay.

Từ yêu cầu thực tế

Trưởng phòng nhân sự một công ty cơ khí cho biết kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành về kỹ thuật cơ khí khi được tuyển dụng vào công ty sản xuất máy cơ khí này đôi khi không phải để chế tạo ra cái máy mà làm người đi bán máy, bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng… Cho nên, kỹ sư này cần phải có thêm kiến thức về marketing, bán hàng… để bổ trợ thêm cho vị trí nghề nghiệp. Hoặc một cử nhân tốt nghiệp ngành marketing vẫn cần bổ trợ thêm kiến thức về truyền thông, kỹ năng viết, thiết kế cơ bản mới đủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi rất nhanh theo xu hướng đa ngành hiện nay. Nếu chỉ biết một chuyên ngành thì khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ hạn chế.

Chuyên gia nhân sự của Tập đoàn Nidec-Shimpo America cho biết ngành bổ trợ là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến quyết định cuối cùng của ông khi tuyển dụng. Trả lời tờ The New York Times, ông cho rằng: “Nếu 2 ứng viên có trình độ học vấn và kinh nghiệm giống nhau thì người có ngành phụ trong hồ sơ thường có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn người còn lại”. Thực tế cho thấy những ứng viên học chuyên ngành kinh tế có ngành phụ về marketing hoặc giao tiếp luôn đưa ra câu trả lời tốt hơn các ứng viên khác.

Vì yêu cầu thực tế này mà nhiều sinh viên ở các trường ĐH trên thế giới chọn học những môn bổ trợ kiến thức cho ngành học chính, bên cạnh sự yêu thích còn nhằm tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường lao động.

Nên chọn ngành phụ nào?

Chuyên gia tuyển dụng của Tập đoàn London Bridges – Mỹ cho hay: Cách kết hợp chuyên ngành phụ tốt nhất là lựa chọn các ngành phụ về quản lý hoặc kinh tế nếu chuyên ngành chính nặng về kỹ thuật và ngược lại. Ví dụ, một người có bằng cử nhân công nghệ thông tin và học ngành phụ về tài chính hoặc kế toán hoặc kinh tế sẽ rất đắt giá trên thị trường tuyển dụng.

Mặt khác, với những bạn đang theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, tiến sĩ Zachary Wagoner của ĐH Stanford, khuyên rằng việc học thêm các môn phụ về truyền thông và sáng tạo là một sự lựa chọn tuyệt vời vì các chuyên ngành này giúp bù đắp khả năng giao tiếp và suy nghĩ đột phá, những điểm yếu thường thấy của sinh viên các ngành này. Các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn cũng có thể lựa chọn một môn phụ có tính chất gần giống với ngành chính của bạn nhưng cũng không có quá nhiều sự tương đồng.

Từ thực tế yêu cầu của thị trường lao động, các chuyên gia tuyển dụng cũng đưa ra một số cách kết hợp tiêu biểu cho các bạn sinh viên như sau: Ngành marketing và truyền thông cần bổ trợ kỹ năng viết, ngành quản trị nhân sự cần bổ trợ thêm về tâm lý học, quản trị kinh doanh cần bổ trợ kỹ năng đàm phán, kỹ sư cần bổ trợ kiến thức quản lý dự án, ngành bếp cần bổ trợ kiến thức quản lý nhà hàng – khách sạn (hoặc ngược lại), quản lý chuỗi cung ứng thì bổ trợ kiến thức bảo hiểm hàng hải, ngành luật thì bổ trợ kiến thức xã hội học. Đối với các ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học nên học ngành phụ bất kỳ về môi trường, hóa chất, kỹ thuật điện… 

 
Kim Hằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây