Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế

999
Web.ĐTN: Sáng 31/07/2017, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB thiết lập) phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2, năm 2017 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Diễn đàn.

 

 Dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn; đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn; đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội DNT Việt Nam, các tổ chức quốc tế và hơn 1000 doanh nghiệp trên toàn quốc…
 
 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
 
 Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về vai trò của kinh tế tư nhân với đất nước hiện tại lớn hơn bao giờ hết. Điều đó trước hết được thể hiện bằng Nghị quyết Trung ương 5, Đảng xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
 
 Thủ tướng nhấn mạnh phải xóa bỏ các rào cản, định kiến để phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ cũng đang nỗ lực xây dựng liêm chính, kiến tạo và hành động. Tiêu chí hành động được người đứng đầu Chính phủ đánh giá quan trọng nhất.  “Chính phủ đặt tiêu chí là hành động hàng đầu, đưa kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tổ chức 5 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, không ngày nào Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp về chủ đề doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
 
 Về vấn đề cải cách thủ tịch hành chính, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: trong thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái thể hiện bằng một loạt các cải cách về thể chế và pháp luật đã được ban hành. Những tồn tại cũng được Chính phủ nhận diện như nợ xấu, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa, chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra… Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số niềm tin doanh nghiệp đã có bước chuyển biến.
 
 Thủ tướng nhắc lại câu nói của nhà văn Mark Twain: “20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây và nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá”. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trình bày thẳng thắn, chia sẻ trách nhiệm công tư. Các doanh nghiệp hãy đưa kinh tế tư nhân ra khơi mạnh mẽ. “Chúng tôi sẽ lắng nghe các bạn, không ngại nói thẳng, cái mà các bạn đang vướng”, người đứng đầu Chính phủ khuyến khích.
 
 

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn

 
 

Liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, Thủ tướng cho biết niềm tin của nhà đầu tư đã và đang tăng lên. Chính phủ nhất quán với mục tiêu đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Theo Thủ tướng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên 50-60% GDP.

  

Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp nên đặt tầm xa thế giới, tập trung các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, du lịch… thay vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là nhà thầu phụ, nhà cung cấp, giá trị gia tăng thấp. “Người xưa Việt Nam có câu, muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nói.

  

Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương cần lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp các vướng mắc, luôn đồng hành với doanh nghiệp. Đó là, “Cần xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình, phải có tâm, tài, tâm thôi chưa đủ mà phải có năng lực. Quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

 
 Đối với địa phương, Thủ tướng cho biết: Các địa phương cần liên kết, giới thiệu nhà đầu tư mà lợi thế tỉnh bạn, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, dẫm đạp lên nhau. Các địa phương cần thu hồi dự án đất đai, tài nguyên, có cơ chế chính sách với nhà đầu tư yếu kém, trao cơ hội cho người có năng lực.
  

Ngân hàng cần nhìn nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề vốn, cần hiểu rõ, thấu đáo khó khăn thách thức của doanh nghiệp, có cơ chế cho vay linh hoạt. Các doanh nghiệp tư nhân cần liên kết, gắn kết, xác định mũi nhọn, tránh phong trào, nắm và hiểu thị trường, đổi mới sáng tạo, tham gia hội nhập quốc tế.

  

“Thay mặt Chính phủ, tôi khẳng định các bộ ngành, cơ quan liên quan sẽ tiếp tục cải cách”, Thủ tướng khẳng định.

 
 Thủ tướng chỉ ra những việc cụ thể là: Cải cách hành chính tốt hơn nữa, tạo dựng môi trường cho doanh nghiệp bảo đảm quyền bình đẳng, quyền kinh doanh, tiếp tục giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng để làm được những điều này thì ngoài nỗ lực của bộ máy Chính phủ, cần sự chia sẻ của nhân dân, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp.
 
 

Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2, năm 2017 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”
 
 

Diễn đàn VPFS lần này chọn 1 chuyên đề chung (Chương trình hành động của Khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5) và 3 chuyên đề ngành (kinh tế số, nông nghiệp và du lịch) để tiến hành đối thoại giữa khu vực tư nhân và Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban ngành, địa phương.

  

Hành động của của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5 là chuyên đề tổng hợp thảo luận và đối thoại về những vấn đề thiết thực để Nghị quyết Trung ương 5 đi vào thực tiễn cuộc sống khả thi và hiệu quả, tiếp tục thúc đẩy sự cam kết, nỗ lực và đồng thuận của khu vực tư nhân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế đất nước đã đề ra.

  

Các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn.
 
 

Chia sẻ về sự đón nhận Nghị quyết này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân đều phấn khởi bởi vì đã nhìn thấy Trung ương Đảng đã có một nghị quyết dành riêng, tập trung chính về mình, sự quan tâm này là sự động viên, cổ vũ rất lớn.

  

Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn VPFS 2017 chia sẻ, đây là lần thứ 2 Diễn đàn Kinh tế tư nhân được tổ chức và lần này diễn ra vào thời điểm quan trong, ngay sau khi Trung ương Đảng có Nghị quyết Trung ương 5 nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. “Chúng tôi thấy rằng, mình cần phải có những cam kết, mối liên lết và những chương trình hành động cụ thể hơn nữa. Diễn đàn lần này sẽ chia sẻ và trao đổi về các chương trình hành động cụ thể của các doanh nghiệp tư nhân sau khi Nghị quyết 05 ra đời”. Anh Vương nói.

  

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) bày tỏ để hoạt động đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp hiệu quả cần có câu chuyện về thực thi chính sách chỗ nào chưa hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Diễn đàn để xây dựng hoạt động đối thoại và hy vọng diễn đàn sẽ là kênh đối thoại không chỉ trong một vài năm mà là hoạt động thường kỳ và dài hạn.

 
 Cũng tại Diễn đàn, 3 chuyên đề ngành được chọn đối thoại lần này gồm Kinh tế số, Du lịch và Nông nghiệp. cũng là 3 ngành được Chính phủ xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.
 
 Cũng theo ông Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: “Trước hết đây chính là các ngành, lĩnh vực mà tư nhân đặc biệt quan tâm, nhận thức được các cơ hội của thị trường, tiềm năng của Việt Nam và có mong muốn tham gia đầu tư, phát triển. Đồng thời chúng tôi cũng rất vui mừng vì Chính phủ xác định đây là 3 ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn vì là Chính phủ và doanh nghiệp đã có cùng hướng nhìn, cùng mục tiêu để tiến tới và hiện nếu có thêm Chương trình hành động chất lượng nữa, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kinh tế đất nước sẽ có nhiều thay đổi tích cực”.
 

Trong khuôn khổ Diễn đàn VPSF 2017, lần đầu tiên VPSF – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai thành công và công bố Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân – CEO.CI, dưới sự hỗ trợ ký thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Kết quả chỉ số CEO.CI sẽ là một trong các căn cứ quan trọng của đối thoại công – tư tại VPSF 2017 cũng nhưu là căn cứ cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách trắng VPSF ra mắt cuối năm nay.

  

Các bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác
 

Nhân dịp này, Hội DNT Việt Nam và đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cùng Chính phủ Úc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.

 
Trịnh Lý
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây