93 năm thành lập Đảng: Mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng và dân

425
Thực tế lịch sử cách mạng nước ta cho thấy mệnh đề “Đảng với nhân dân là một” không phải là câu khẩu hiệu mà là bản chất mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

 

93 nam thanh lap Dang: Moi quan he gan bo “mau thit” giua Dang va dan hinh anh 1

Trong những năm 1945-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ về chống “giặc đói,” phong trào hũ gạo tiết kiệm,” “ngày đồng tâm”… đã diễn ra rộng khắp trên cả nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Lịch sử đã chứng minh mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân là mối quan hệ gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất.

Sự thống nhất đó là nhân tố cơ bản làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược; cũng như làm nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

“Đảng với nhân dân là một”

Thực tế lịch sử cách mạng nước ta cho thấy mệnh đề “Đảng với nhân dân là một” không phải là câu khẩu hiệu mà là bản chất mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Bản chất mối quan hệ này thể hiện tập trung ở chỗ: lý do ra đời, tồn tại và mục tiêu hoạt động của Đảng là vì nhân dân, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân; nguồn sức mạnh bất tận và vô địch của Đảng là từ nhân dân, ở trong nhân dân; Đảng là của dân, vì dân, Đảng quan tâm chăm lo đến dân.

Dân một lòng, một dạ theo Đảng, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Điều đó đã được biểu hiện cụ thể sinh động trong thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt hơn 90 năm qua, là nhân tố cơ bản, sức mạnh chủ yếu và động lực quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.” Chính vì thế mà dân là gốc của nước, của cách mạng.

Đặc biệt, từ khi giành được chính quyền, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì vai trò quyết định của nhân dân càng được Bác khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc;” “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.”

Đồng thời, Bác khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ;” “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ.”. Vì vậy, Đảng phải luôn lấy lợi ích của nhân dân, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu để phấn đấu.

Và Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Theo Bác, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân sẽ tạo ra cơ sở chính trị-xã hội vững chắc cho Đảng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc,” Bác khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng ta thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.”

 

93 nam thanh lap Dang: Moi quan he gan bo “mau thit” giua Dang va dan hinh anh 2

Một lớp “Bình dân học vụ” ở Hà Nội những ngày đầu độc lập. Đây là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, nhằm giải quyết “giặc dốt” – một trong các vấn đề cấp bách nhất của đất nước thời gian đó. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Theo Bác, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân thuộc về bản chất của Đảng, nó không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng chân chính cách mạng, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản.

Bác luôn coi mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, một trong những vấn đề cơ bản nhất trong công tác xây dựng Đảng, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng ở nước ta.

Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân

Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Luận điểm này thể hiện vai trò người lãnh đạo và người đầy tớ thống nhất trong một chủ thể, đó là Đảng cầm quyền.

Có giữ vững và làm tốt vai trò người lãnh đạo thì mới có điều kiện để thực hiện bổn phận người đầy tớ và ngược lại, có làm tròn bổn phận người đầy tớ thì vị trí, vai trò người lãnh đạo mới được giữ vững.

Để Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân đòi hỏi Đảng phải biết thu phục, thuyết phục và chinh phục được quần chúng. Đó là một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của cả Đảng và của cả nhân dân. Song, trong mối quan hệ đó, Đảng là người có trách nhiệm chính.

Với vai trò là người lãnh đạo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải có tầm cao trí tuệ, biết động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng, lấy sức quần chúng để giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp lòng dân, thực sự là ngọn đèn dẫn lối, soi đường cho nhân dân hành động.

Đường lối đó phải phù hợp với tuyệt đại đa số quảng đại quần chúng và thỏa mãn lợi ích nhân dân.

“Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng,” Bác chỉ rõ. Khi đã có đường lối, chủ trương đúng, Đảng phải kiên quyết tổ chức thực hiện đường lối, để đường lối đó đi vào cuộc sống nhân dân.

Là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng phải thực sự là công bộc tin cậy của nhân dân.

Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Có lợi cho dân thực chất là, Đảng phải thực sự chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hết sức tránh những biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng; hạn chế, thủ tiêu vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của quần chúng.

 

93 nam thanh lap Dang: Moi quan he gan bo “mau thit” giua Dang va dan hinh anh 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (16/9-17/10/1950). Đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội Việt Minh chủ động tấn công quân Pháp, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Tuy nhiên, là người đầy tớ, nhưng không phải là Đảng theo đuôi quần chúng, mà Đảng phải thực sự tiên phong về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của thời đại. “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng.”

Bác yêu cầu, Đảng muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải hiểu dân, học dân, nâng đỡ dân.

Bởi vậy, Đảng muốn lãnh đạo giỏi thì phải làm đầy tớ giỏi. Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, luôn đặt lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc lên trên hết, tất cả tận tụy vì dân.

Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền làm chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Mọi hoạt động của Đảng cũng như của đảng viên phải chịu sự kiểm soát của nhân dân để làm tròn nhiệm vụ đầy tớ trung thành của nhân dân.

Cội nguồn sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam

Lịch sử và thực tế đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mưu cầu lợi ích cho nhân dân, Tổ quốc và dân tộc.

Chính lịch sử dân tộc và nhân dân ta đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đảng đã vì dân mà ra đời, lãnh đạo cách mạng, đưa nhân dân thoát khỏi nô lệ, lầm than, vươn lên làm chủ, xây dựng cuộc sống mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta.

Và nhân dân ta đã một lòng theo Đảng, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên những kỳ tích vĩ đại, những thành tựu mang tầm vóc lịch sử. Đó là bản chất và nội dung cốt lõi mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân ta.

Mối quan hệ mật thiết đó đã, đang và vẫn thể hiện sinh động trong thực tiễn, là cội nguồn sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam.

Sau 15 năm có Đảng, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của chế độ phong kiến, thực dân, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Vượt qua những thử thách nghiệt ngã để bảo vệ nền độc lập dân tộc, Đảng ta tiếp tục nuôi dưỡng và nhân lên sức mạnh quật cường của dân tộc, đánh thắng bốn cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.

Và dù phải đối mặt với những thách thức khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua: hậu quả chiến tranh nặng nề, từ cuối thập kỷ 70 nền kinh tế-xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng; sự bao vây cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ trước, một lần nữa Đảng ta không chỉ thể hiện lòng trung thành vô hạn với giai cấp và dân tộc, mà Đảng đã biết tự nâng mình lên ngang tầm đòi hỏi của lịch sử và dân tộc.

Năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Đường lối đổi mới vừa hợp quy luật, hợp lòng người nên nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành, mọi người, tạo nên sức mạnh của dân tộc.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã giành được những thành tựu vô cùng quan trọng về kinh tế-xã hội, về chính trị, an ninh quốc phòng; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế tăng lên, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.

Thành tựu nổi bật nhất là tăng trưởng, phát triển kinh tế. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển và đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình từ năm 2008.

Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD năm 2022. Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

An sinh xã hội được quan tâm và bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có nhiều bước phát triển; kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là giao thông, điện, nước sạch… Đây là yếu tố hết sức quan trọng góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Đồng thời, Đảng có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Các hình thức thực hiện dân chủ từng bước được hoàn thiện và được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật.

Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội, các cơ quan dân cử được mở rộng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng.

Đảng đã tập trung lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Đảng đã quyết liệt triển khai cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phát hiện, xử lý nghiêm minh và nhân văn với những cán bộ đương nhiệm hoặc đã về hưu với phương châm “không có vùng cấm,” “thi hành kỷ luật một số người để cứu muôn người”…

Đặc biệt, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng, Nhà nước ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của đất nước; quản lý và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác, đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Đồng thời, chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc…

Tích cực triển khai các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã có và đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Những kết quả, thành tựu nổi bật trên đã tác động trở lại, góp phần quyết định vào việc tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện đất nước ta đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam có nhiều thời kỳ phát triển rực rỡ, nhưng chưa bao giờ cơ đồ của đất nước, vị thế của dân tộc lại được khẳng định như bây giờ.

Cội nguồn của sự kỳ diệu đó chính là tinh thần làm chủ và ý thức quật cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng – đội tiên phong trí tuệ đầy bản lĩnh của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.

93 năm có Đảng là chặng đường vinh quang đầy ắp niềm tin yêu của “tình Dân, nghĩa Đảng.”

Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng khởi xướng luôn có nhân dân tham gia, nhân dân đồng tình hưởng ứng, trở thành xung lực của cách mạng, thể hiện phẩm chất nhân văn, trí tuệ của Đảng và sự cao quý vô cùng của lòng dân.

Lý tưởng cao đẹp và mục tiêu phấn đấu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là hạnh phúc muôn đời của dân tộc ta, nhân dân ta.

Vậy nên cả dân tộc ta, nhân dân ta gọi Đảng Cộng sản Việt Nam bằng sự trìu mến, thân thương: Đảng ta./.

Nguồn: theo TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây