Thị trường lao động năm 2021

768

Trong năm 2021, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) sẽ theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp; tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp.

Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng  dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%). Dịch Covid-19 làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế.

Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, trước tình hình trên, Cục Việc làm đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Năm 2021, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp

Ông Vũ Trọng Bình cho biết, năm 2021 Cục Việc làm sẽ   chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về: tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, việc làm người cao tuổi, việc làm đối với lao động phi chính thức,…;  các giải pháp phát triển thị trường lao động và thực hiện tự do dịch chuyển lao động; nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp;

Tăng cường công tác quản lý lao động, nhất là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

Phối hợp và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra pháp luật về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

Tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt là thực hiện việc cấp giấy phép trực tuyến cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.

“Năm 2021, Cục Việc làm sẽ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động và người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động;

Đặc biệt là sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch cúm COVID-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ. Hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19.”, Cục trưởng Cục Việc làm nói.

Nguồn: baodansinh.vn – Hà Phương

Sưu tầm: Phòng tư vấn nghề nghiệp

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây