Rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1427

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Người cũng thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

 

Nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học tập, vận dụng vào đổi mới phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ, đảng viên nói chung và người cán bộ đảm nhiệm công tác tổ chức nói riêng trong tình hình mới luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ, đảng viên biểu hiện trên một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả.

Từ kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: một trong những phẩm chất quan trọng của người cán bộ cách mạng là phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Bởi vì, khi người cán bộ, đảng viên có tri thức khoa học và kỹ thuật, có trình độ lý luận cách mạng, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với nghề nghiệp, nhưng nếu không có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, xa rời thực tiễn, ít chịu cập nhật những biến đổi của tình hình, thậm chí chuyên quyền, quan liêu, độc đoán… thì khi thực hiện các nhiệm vụ thường gặp khó khăn, vướng mắc, chất lượng và hiệu quả công việc sẽ không đạt được như mong muốn.

Tại nhiều hội nghị với cán bộ các ngành, các cấp, cả ở trung ương và địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán những cán bộ mắc phải “bệnh giáo điều” phô trương kiến thức; chỉ “thuộc sách làu làu, Cụ Mác nói thế này, Cụ Lênin nói thế kia, rồi biến một số câu chữ trong nguyên tắc rồi áp đặt vào cuộc sống”. Người cũng vạch rõ căn nguyên của “bệnh kinh nghiệm” là do “kém lý luận”, hoặc có thái độ “khinh lý luận”. Người ví von một cách rất hình ảnh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ” (1). Những cán bộ mắc phải “bệnh kinh nghiệm”, “bệnh giáo điều” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường có biểu hiện “lý luận suông”, phương pháp, tác phong làm việc dễ rơi vào chủ quan, duy ý chí.

Để khắc phục những biểu hiện của phương pháp, tác phong làm việc thiếu tính khoa học, thiếu tính thực tiễn tồn tại ở không ít cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ cần phải có những biện pháp cụ thể, mà Người gọi là “cách lãnh đạo”. Đó là nghệ thuật công tác lãnh đạo, quản lý của người cán bộ, đảng viên, được biểu hiện bằng phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Người cán bộ, đảng viên không những vừa phải có đức, có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”, nhưng đồng thời cũng phải có “cách lãnh đạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh công tác để không ngừng hoàn thiện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, người cán bộ, đảng viên phải tích cực rèn luyện phong cách tư duy khoa học.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách tư duy khoa học hoàn toàn đối lập với phong cách tư duy mang tính kinh viện, giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ tác hại của những kiểu phong cách đó dẫn đến lề lối làm việc thụ động, máy móc rập khuôn, hành chính mệnh lệnh, trông chờ dựa dẫm, ỷ lại cấp trên. Người vạch rõ những biểu hiện của phong cách tư duy thiếu tính năng động, nhạy bén, thiếu sáng tạo đó là do “cách làm w’ệc”thấy cái đúng thì không kiên quyết bảo vệ, thấy cái sai không dám đấu tranh phê bình; hoặc biểu hiện đối với không ít cán bộ, đảng viên mắc phải là “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”; chỉ thích khen và không bằng lòng khi bị nhắc nhở, phê bình. Do đó, những cán bộ, đảng viên như vậy thường không “cả gan nói, cả gan đề xuất ý kiến” và không “có gan phụ trách, có gan làm việc”(2). Cho nên, các công việc được giao thường đạt chất lượng, hiệu quả rất thấp.

Từ thực tiễn của cách mạng khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, làm nhiệm vụ gì cũng đều phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phong cách tư duy khoa học. Người cán bộ, đảng viên có phong cách tư duy khoa học sẽ luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nâng cao phong cách tư duy khoa học của cán bộ, đảng viên có nhiều biện pháp, nhưng đều đòi hỏi mỗi người phải không ngừng tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng để nắm được bản chất khoa học và cách mạng của sự vật, hiện tượng, làm cơ sở cho nhận thức đúng đắn thực tiễn và có biện pháp giải quyết thấu đáo, đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phải rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch, có chuẩn bị, có quan điểm thực tiễn; đặc biệt “phải học cách nói của quần chúng, học cách làm của quần chúng”.

Thứ ba, người cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính đảng, đề cao ý thức dân chủ, đoàn kết và kỷ luật.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận nói chung và đấu tranh để bảo vệ định hướng, nội dung quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tình hình mới của đất nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng tốt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, nhằm đem lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; trong đó cần hết sức coi trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

– Đề cao tính đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tính đảng trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức đặt ra yêu cầu phải đổi mới cả nhận thức và phương pháp, tác phong làm việc, về mặt nhận thức, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn “đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân”; tức là, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thực hiện nhiệm vụ đều phải hướng vào phục vụ lợi ích của Đảng, của dân tộc, lấy quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tư tưởng và hành động vụ lợi, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, lãng phí. về phương pháp, tấc phong trong lãnh đạo, quản lý, thực thi chức trách, nhiệm vụ, phải lấy tấm gương về phương pháp, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “làm theo”, vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn và công việc được giao. Phương châm cần phải thực hiện nghiêm túc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”; “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”; thực hành công việc phải có thái độ trung thực, mực thước, nghiêm túc; tôn trọng thực tê khách quan; kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, cửa quyền, giáo điều và những biểu hiện tiêu cực khác.

– Không ngừng rèn luyện phong cách thực tiễn của cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác tổ chức. Phong cách thực tiễn là phải gắn mọi hoạt động của mình được tổ chức phân công với tình hình trong nước, thế giới và tình hình cụ thể của từng lĩnh vực, chuyên ngành, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “…trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình làm ra phương hướng chính trị, có thể làm ra những công việc, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích” (3) . Do đó, trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác tổ chức, người cán bộ, đảng viên cần nỗ lực học tập để mở rộng và nâng cao trình độ tri thức, nhất là lĩnh vực chính trị, lý luận; phải thực sự có phong cách luôn gắn lý luận vổi thực tiễn. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện coi thường lý luận, “bệnh” kinh nghiệm, lý luận suông, giáo điều, chủ quan, duy ý chí, thiếu sự tôn trọng thực tế khách quan trong thực hành các công việc được giao.

– Phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, kỷ luật trong công tác lãnh dạo, quản lý và trong hoạt động công tấc tổ chức. Xây dựng và phát huy tốt dân chủ, đoàn kết và kỷ luật là biểu hiện của phương pháp, tác phong làm việc dân chủ của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự năng động, sáng tạo là vì: “Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực” (4). Vì vậy, Người thường xuyên nhắc nhở mỗi tổ chức của Đảng cũng như chính quyền, đoàn thể cần phải đề cao dân Chủ, đoàn kết và kỷ luật nhằm phát huy được cao nhất tư duy độc lập, sáng tạo; phải thực sự tôn trọng và lắng nghe cả ý kiến của những người “không quan trọng”. Trong xây dựng và phát huy dân chủ cần phải tuyệt đối chấp hành đúng các nguyên tắc của tổ chức, có kỷ cương, kỷ luật. Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện lợi dụng dân chủ dẫn đến dân chủ vô hạn độ, dân chủ quá trớn, “kéo bè, kéo cánh”, gây mất đoàn kết nội bộ, hoặc sơ hở mất cảnh giác để cho các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Thứ tư, người cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương trong rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc.

Nêu gương là một yêu cầu thiết yếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội, kinh tế, đoàn thể xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”(5)và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(6). Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nêu một tấm gương sáng về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả với mục đích cao cả vì nước, vì dân.

Học tập và vận dụng tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả vào quá trình giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cần gắn liền với nhân điển hình, kịp thời phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt trong mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Tích cực sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, những lực lượng tuyên truyền viên để góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực, rộng rãi, vững chắc trong đổi mới phương pháp, tác phong làm việc ở tất cả các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, từ trung ương đến cơ sở.

Mỗi tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đơn vị nói chung và từng cán bộ, đảng viên nói riêng phải thực hiện tốt phương châm mà Chủ tịch Hổ Chí Minh đã nêu: “nói phải đi đôi với làm”; đồng thời, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu càng phải nêu gương tự phê bình và phê bình về đổi mới phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả.

ThS. Nguyễn Đức Thắng – Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự

Ngọc Sáu – ST

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây