Trong những ngày cuối tuần, màu áo xanh tình nguyện đã có mặt tại từng hộ gia đình, từng ngõ ngách, tuyến phố của Thủ đô để vệ sinh môi trường, tiêu diệt bọ gậy phòng chống SXH.
Việc gì khó có thanh niên
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động diệt loăng quăng tại các hộ gia đình và vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, ngay từ cuối tháng 6, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức nhiều đợt phát động ra quân phòng, chống sốt xuất huyết.
Các đoàn viên thanh niên kiểm tra các dụng cụ chứa nước tới cây tại khu vực dân cư quận Đống Đa
Nhấn mạnh vai trò nòng cốt của đội ngũ đoàn viên thanh niên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết “Chúng tôi rất mong muốn có sự tham gia, vào cuộc của các đoàn viên thanh niên trong chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết. Các đoàn viên sẽ trở thành những tuyên truyền viên đắc lực cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời cùng với ngành y tế tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.
Cho đến đầu tháng 8 khi diễn biến bệnh SXH ngày càng phức tạp và lan rộng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, các quận đoàn, huyện đoàn của Hà Nội theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội liên tiếp tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết.
Bạn Phạm Tâm, Phó Bí thư quận đoàn Đống Đa cho biết “Tháng 7, 21 Bí thư của các phường trên địa bàn quận Đống đa đã được tập huấn về công tác phòng chống sốt xuất huyết. Từ ngày 5/8 cho đến 12/8, 13/8 và ngày 19/8, lực lượng thanh niên đều tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi. Đã thành thông lệ, tuần nào cũng vậy, không có Thứ bảy, Chủ nhật nào chúng mình ngơi nghỉ công tác ra quân dọn vệ sinh dù biết những ngày cuối tuần, mỗi bạn lại có những hoạt động riêng. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động cá nhân đều gác lại để tập trung tham gia công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận. Trường hợp bạn sinh viên tử vong vì mắc sốt xuất huyết trên địa bàn quận khiến đoàn viên thanh niên trong quận rất đau xót. Do vậy, mọi người đều hăng hái tham gia dọn dẹp vệ sinh, tiêu diệt bọ gậy với quyết tâm đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết, không để xảy ra thêm trường hợp tử vong trên địa bàn quận”.
Tại các quận huyện xuất hiện những ổ dịch SXH lớn như quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn…. lực lượng thanh niên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, ra quân dọn dẹp vệ sinh, lật úp các dụng cụ chứa nước tại từng hộ gia đình, phát quang bụi rậm…
Đánh giá về hoạt động phòng chống sốt xuất huyết của các quận đoàn, huyện đoàn, đồng chí Nguyễn Khánh Bình – Phó Bí thư Thường Thực Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội cho biết “Đây là thời điểm phải tập trung cao độ, huy động tối đa toàn bộ lực lượng đoàn viên thanh niên đồng loạt ra quân phòng chống SXH. Thậm chí có thể dừng một số hoạt động không quá quan trọng để tập trung vào việc phòng chống SXH. Hoạt động này phải được thực hiện “Thực chất – Bài bản – Đồng bộ” mới có thể đạt hiệu quả cao”.
Tuy nhiên, đồng chí Bình cũng lưu ý các Bí thư quận đoàn, huyện đoàn nên có kế hoạch cụ thể trước mỗi đợt ra quân về dự kiến lực lượng tham gia, triển khai tại đâu, chú trọng các ổ dịch lớn, các khu vực như nghĩa trang, công trường, điểm tập kết rác, khu ký túc xá các trường ĐH, bãi đất trống, nhà hoang, bụi rậm… Ngoài ra, các Bí thư quận đoàn, huyện đoàn cần có đề xuất kiến nghị, báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Chủ tịch UBND quận, huyện trên địa bàn. Ngoài ra, cần phải tăng cường sự phối hợp với các Bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện và phối hợp tuyên truyền tới các trường học, tăng cường thêm lực lượng sinh viên tình nguyện của các trường ĐH trên địa bàn.
Vẫn còn đó những khó khăn
Thế nhưng, trong công tác triển khai các hoạt động phòng chống SXH, các bạn đoàn viên thanh niên đối mặt với rất nhiều khó khăn. Anh Dương Minh Đức, Bí thư quận Hai Bà Trưng cho biết “Các đoàn viên rất nhiệt tình tham gia công tác tiêu diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường nhưng quả thật chúng tôi rất lo cho các anh em. Bởi lực lượng thanh niên chưa được hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, trang thiết bị như quần áo bảo hộ, kem chống muỗi trong khi chúng tôi toàn phải đến những khu vực có ổ dịch lớn. Chúng tôi luôn phải căn dặn các đoàn viên, thanh niên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, bôi kem chống muỗi mỗi đợt ra quân dọn vệ sinh. Nếu trong quá trình dọn vệ sinh, không may có thanh niên bị muỗi có chủng sốt xuất huyết đốt gây bệnh thì quả là đáng lo ngại”.
Tại quận Hoàng Mai, các đoàn viên thanh niên lại phải đối mặt với thái độ bất hợp tác của các hộ gia đình. Đồng chí Nguyễn Quỳnh Trang, Phó Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho biết “Nhiều hộ gia đình đã từ chối phun thuốc diệt muỗi vì lo ngại tác dụng phụ của thuốc. Không nản lòng, đoàn viên lại tiếp tục gõ cửa từng nhà tuyên truyền phòng chống SXH, tầm quan trọng của việc phun thuốc diệt muỗi. Đến ngày 12 và 13/8, rất may đa phần các hộ gia đình trong quận đã đồng ý phun thuốc diệt muỗi”.
“Đồng cảnh” với nỗi khổ của quận đoàn Hoàng Mai, anh Đào Minh Đức – Bí thư quận Hà Đông chia sẻ “Địa bàn quận Hà Đông tồn tại rất nhiều ổ dịch SXH tuy nhiên ý thức phòng chống bệnh SXH của người dân rất kém. Nhiều gia đình có con nhỏ, họ không muốn phun thuốc diệt muỗi. Do đó, khi thấy đoàn viên đến nhà, họ đã đuổi không cho vào nhà và còn mắng mỏ các đoàn viên thanh niên. Việc lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt bọ gậy trên địa bàn quận Hà Đông cũng rất khó khăn vì nhiều dụng cụ chứa nước treo lên cây cao, anh em phải trèo lên cây gỡ xuống. Nhiều hộ gia đình đào hố để thả cá nhưng sau đó bỏ hoang tạo môi trường cho bọ gậy phát triển, lòng hố rất sâu, mọi người không thể chui xuống nên chỉ còn cách rắc vôi bột xuống….Nhiều công trường xây dựng, công nhân làm việc ở đó không muốn cho thanh niên vào dọn dẹp vệ sinh môi trường”.
Trước những khó khăn như vậy, không ít đoàn viên thanh niên nản lòng và có suy nghĩ trốn tránh việc ra quân hoặc làm qua loa. “Nhiều bạn biết việc ra quân thường tổ chức vào thứ 7, Chủ nhật nên cố tình tắt điện thoại, không muốn tham gia, hoặc có suy nghĩ sợ bị mắc bệnh. Việc tuyên truyền phòng chống SXH đến từng hộ gia đình, đoàn viên nói chuyện rất hời hợt, gây phản cảm cho người dân. Những trường hợp này ngay lập tức chúng tôi đã chấn chỉnh”, anh Đức cho biết.
Tuy nhiên, càng đối mặt với nhiều khó khăn, tinh thần xung kích của lực lượng thanh niên càng phát huy sức mạnh, anh Dương Minh Đức khẳng định “Dù khó khăn đến mấy, anh em đoàn viên thanh niên luôn động viên nhau phải cố gắng vượt qua vì “màu cờ sắc áo”, vì màu xanh tình nguyện. Chỉ hy vọng các cấp chính quyền, lực lượng chức năng ghi nhận vai trò của đoàn viên, thanh niên để phối hợp cùng chúng tôi đẩy lùi dịch bệnh SXH”.