Quan điểm Hồ Chí Minh về đạo đức với việc nâng cao y đức thầy thuốc hiện nay

751

Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, mọi quan hệ xã hội, luân thường đạo lý và đạo đức nghề nghiệp cũng có phần đảo lộn. Một bộ phận không nhỏ thầy thuốc đã vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, đi ngượi lại y đức, trái với lương tâm, đạo lý, làm “hoen ố” hình ảnh nghề thầy thuốc cao quý có truyền thống bao đời nay. Thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bộ Y tế phát động, nhằm góp phần nâng cao tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

 

Ðạo đức nghề y, hay còn gọi là y đức đối với người làm nghề y. Đó không phải là một quy chuẩn của luật pháp, hay nghĩa vụ pháp lý, mà là những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người nói chung và người làm nghề y nói riêng. Mặt khác, đó cũng là quy tắc, là chuẩn mực của ngành y, là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp, để thầy thuốc tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, tiến bộ ngành y để đem lại sức khỏe và sự an lành cho con người.

Y đức hình thành và phát triển cùng với lịch sử y học và xã hội. Ngay từ những năm đầu xây dựng đất nước, trên cương vị người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển của nền y tế nước nhà, nhất là trong vấn đề y đức của người thầy thuốc. Quan điểm y đức của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng, biểu hiện trước hết ở tình thương yêu con người sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành một triết lý sống đối với đạo đức nói chung và đạo đức ngành y nói riêng. Vấn đề “Con Người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành yếu tố căn bản và xuyên suốt hệ thống tư tưởng của Người. Người nói “phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, “Lương y phải như từ mẫu…”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân và y đức của người thầy thuốc. Người luôn căn dặn thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Người cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú và có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại trong tương lai. Người nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công…”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một chân lý nhân văn cao cả, đó là mục tiêu, là động lực, là lý tưởng của Người và cả dân tộc Việt Nam. Lý tưởng nhân văn của Người là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, vấn đề con người được đặt trong sự phát triển đó với mục tiêu phát triển trở thành một xã hội thành xã hội chủ nghĩa và phát triển con người thành con người toàn diện vừa hồng vừa chuyên. Người coi con người là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ… Dân cường thì quốc thịnh”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đối với người thầy thuốc được thể hiện rất rõ trong các bức thư của Người gửi Hội nghị cán bộ y tế vào các năm 1953. Và tại Hội nghị Y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư thể hiện một cách toàn diện hệ thống tư tưởng của Người về y đức. Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu, câu ấy nói rất đúng”, và từ đó, chính ngày này đã trở thành“Ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam”.

Kế thừa truyền thống đạo đức y học của dân tộc và giá trị đạo đức của nền y học thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm cụ thể về y đức đối với mỗi người thầy thuốc và trở thành phương châm sống, chỉ đạo đối với người thầy thuốc và đối với sự phát triển nền y tế nước nhà. Tư tưởng về y đức được thể hiện qua một số quan điểm như sau:

  • Thứ nhất: Y đức, một trong những quy chuẩn của đạo đức xã hội. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội, có vai trò to lớn đối với đời sống con người. Một trong những nét cơ bản nhất của hình thái ý thức đạo đức là sự tự nguyện, tự giác quan tâm đến người khác, chứ không phải cho mình, mà trong đó có vấn đề y đức là một bộ phận cấu thành của đạo đức xã hội. Trong sự phát triển của y học thế giới, đạo đức người thầy thuốc (y đức), luôn được coi là một phần quan trọng của y học, có ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả trong hoạt động nghề thầy thuốc. Ở Việt Nam, y đức người thầy thuốc mang đậm dấu ấn của đạo đức truyền thống phương Đông. Đạo đức xã hội tốt đẹp lên, thì y đức cũng từ đó mà tốt đẹp lên. Ngược lại, đạo đức xã hội đi xuống, thì không thể có được y đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Trong di sản của Người, những quan điểm, tư tưởng đạo đức và đạo đức cách mạng phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, ngành nghề, trong đó có ngành y. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, thì đạo đức ngành Y được Người bàn đến nhiều nhất. Người là tấm gương sáng, là hiện thân của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người. Người dành tình yêu thương và chia sẻ với những nỗi đau của con người. Người từng chỉ đạo: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Để thực hiện được những nhiệm vụ mà lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ân cần căn dặn cán bộ ngành y tế: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết… Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân” .

Trước thực trạng hiện nay, dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội Đảng và vận dụng tư tưởng đạo đức, y đức của Hồ Chí Minh, ngành y tế đã tích cực nhạy bén, chủ động đề ra Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đến năm 2010 và 2020 và đề ra các quy định về y đức, tiêu chuẩn nâng cao y đức đối với mỗi người làm nghề, thực hiện tốt 12 điều y đức, để mỗi người thầy thuốc phải luôn lấy y đức làm mục đích, lý tưởng cho hành động của mình, lấy lao động chính đáng, tài năng và trí tuệ của mình làm lẽ sống, để rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp với tiến bộ xã hội.

  • Thứ hai: Y đức, một trong những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là những quy tắc để hướng dẫn cho các thành viên ứng xử và hoạt động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích của nghề nghiệp. Hiểu cách khác, trong mọi hoạt động nghề nghiệp, người hành nghề có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và phục vụ tốt nhất có thể. Y đức thực hiện nhiệm vụ là tòa án lương tâm, trách nhiệm xã hội và từ đó thực hiện chức năng tự đánh giá hành vi đạo đức của con người.

Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Y đức không chỉ là những hành động như thái độ niềm nở với người bệnh, mà còn đòi hỏi người thầy thuốc phải khiêm tốn, đối xử tốt với đồng nghiệp, giỏi về chuyên môn, không lợi dụng nghề nghiệp để kiếm lời… Lương tâm nghề nghiệp trong sáng là cơ sở để hình thành những đức tính cần có của người thầy thuốc. Lương tâm người thầy thuốc còn là cơ sở để hình thành sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh, từ đó hình thành quy chuẩn của đạo đức trong nghiệp vụ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm cao đối với người bệnh. Hành vi đạo đức là những hành vi có động cơ bên trong phù hợp những yêu cầu và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tình cảm đạo đức của người thầy thuốc là động lực, những đức tính đã trở thành thói quen, thúc đẩy người thầy thuốc hành động sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3 năm 1948, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật, mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… Khi gặp những ca anh em thương binh thiếu trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân đạo và tình thân ái mà cảm hóa họ…”.

Đối với ngành y tế, thì y đức luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, bởi vì nghề y là một nghề đặc biệt liên quan đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của con người, do vậy người làm nghề y không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng: “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh” . Để làm tốt được nhiệm vụ và đúng với tôn chỉ mục đích nghề nghiệp. Y đức phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ cơ bản sau:

1- Thầy thuốc phải chăm chỉ, nhiệt tình lao động, luôn sẵn sàng, chủ động trong công việc của mình;

2- Thầy thuốc phải thận trọng, cảnh giác trước các trường hợp coi là bệnh nhẹ, bình thường, giản đơn;

3- Thầy thuốc phải luôn giữ gìn phẩm giá, danh dự nghề nghiệp của mình;

4- Thầy thuốc phải là người có tính sáng tạo trong nghề nghiệp…

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ hội nhập, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ ngành y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, góp phần đưa ngành y nước ta tiến kịp thế giới… Trước xu thế hội nhập hiện nay, ngành y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ, trình độ. Để thực hiện tốt và giữ đúng với y đức của mình, cần có sự tham gia của toàn xã hội, bắt đầu bằng việc giáo dục tuyên truyền và bồi dưỡng…

1- Cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, y tá có đức có tài;

2- Cần phải xây dựng một nền y học cách mạng tiên tiến hiện đại;

3- Phải phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh;

4- Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy y tế hoàn thiện và làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân;

5- Cán bộ, nhân viên ngành y phải thật thà đoàn kết…

Có thể nói rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác y tế và sức khoẻ là kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến hiện đại. Tư tưởng về y đức của Người vẫn còn sống mãi và trở thành là bài học quý báu, là ngọn đèn, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế nước ta. Vì vậy, để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành y, mỗi thầy thuốc cần phải nêu cao lòng nhân ái, cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành y, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chống bệnh tật và cứu người./.

Xuân Trung – ST

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây