Từ bến cảng Sài Gòn, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, mở đầu một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao. Suốt 30 năm bôn ba Người đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 31/5, Thành ủy TPHCM đã phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước”.
Hơn 500 đại biểu là cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng, đại diện các tầng lớp nhân dân đến tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an…
Khai mạc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh phát biểu: “Cách đây 100 năm, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Đó là thời điểm sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bế tắc về đường lối, như trong đêm tối không có đường ra. Biết bao cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước bị thực dân đàn áp, bị dìm trong bể máu và đều thất bại”.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Bác Hồ đã ra đi với đôi bàn tay trắng, ra đi để tìm kiếm một con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Ông Đinh Thế Huynh nhìn nhận: “Đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam”.
Từ bến cảng Sài Gòn, Người đã ra đi tìm đường cứu nước (ảnh tư liệu)
Phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết: “Mục đích của hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh công ơn trời biển của Bác Hồ, khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của sự kiện Bác Hồ ra đi ngày 5/6/1911 như một mốc son trong lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng; khẳng định lựa chọn sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam”.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tương Văn hóa Trung ương cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo ông thì ngày 5/6/1911 là ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, bởi vì “đó là ngày từ cảng Sài Gòn, Người đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm được con đường đúng”.
Với ý nghĩa quan trọng này, hội thảo đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước, các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học… Đến ngày hội thảo khai mạc, ban tổ chức đã nhận được 137 bài tham luận, trong đó có tham luận của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Các tham luận xoay quanh 4 nội dung chính là: Bối cảnh lịch sử của đất nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sự lựa chọn của Người khi Người chọn ra đi từ thành phố Sài Gòn; Hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại trong suốt 30 năm của Người; Quyết tâm vững bước theo con đường cách mạng mà Người đã chọn.
Bác bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước bằng chính sức lao động của đôi bàn tay mình trên con tàu Amiral Latouche Tre1ville (ảnh tư liệu)
Trong tham luận của mình, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, chúng ta phải kiên trì đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn; để kiên định và kiên trì con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn thì trong mọi hoạt động của Đảng, phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam.
Ông cho rằng: “Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ Việt Nam. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi, tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích”.
Trong tham luận “Vững bước trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người khẳng định, đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất thật rộng rãi, dùng máy móc trong công nghiệp và trong nông nghiệp… Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà”.
Cũng trong tham luận này, Thủ tướng chia sẻ: “Lịch sử có những sự trùng hợp thú vị. Từ thành phố này, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Và Thành phố này cũng là một nơi khởi phát mạnh mẽ những tìm tòi con đường đổi mới, đưa nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, dẫn đến quyết định lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ VI. Trong 25 năm qua, TPHCM luôn giữ được vai trò tiên phong trong tiến trình đổi mới theo đường lối của Đảng”.
Và Thủ tướng gửi gắm nhiệm vụ cho lãnh đạo TPHCM: “Cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, xây dựng nền nông nghiệp sạch, đi đôi với đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng và tăng cường chất lượng quản lý đô thị, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc. Đồng thời, Thành phố phải rất coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế tri thức.”.
Thủ tướng tin tưởng từ thành công đó của TPHCM sẽ tạo tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở cả khu vực phía Nam và trong cả nước. Ông cho rằng: “Đây là sứ mệnh rất vẻ vang của Đảng bộ và quân dân Thành phố mang tên Bác. Chúng ta tin tưởng rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong của mình trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Khi đọc tham luận của mình, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải xúc động: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả cuộc đời Người hiến dâng trọn vẹn cho tổ quốc, cho nhân dân. Lúc ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, lúc trở về gây dựng cả một giang sơn gấm vóc, nhưng là để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Còn đối với người thì “sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình để lãng phí tiền bạc và thời giờ của nhân dân”. Nguyễn Tất Thành – Nguyển Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người vô cùng bình dị và thật là vĩ đại”.
Ông thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP hứa: “TP nguyện xây dựng đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh để vững bước theo con đường Người đã chọn, để xứng đáng được mãi mãi là thành phố mang tên Hồ Chí Minh”.
Tùng Nguyên