Lương tối thiểu vùng 2019 tăng mức cao nhất là 200.000 đồng/tháng

880
Kết thúc phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng nay (13.8) tại Hải Phòng, các bên đã bỏ phiếu xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, tức mức tăng cao nhất là 200.000 đồng/tháng.
 
Quang cảnh phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia

Sáng 13/8, tại TP Hải Phòng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên cuối thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia chủ trì phiên họp.

Kết thúc phiên họp, 15/15 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” mức lương tối thiểu năm 2019 sẽ tăng 5,3%. Kết quả này sẽ được trình Chính phủ để Thủ tướng xem xét, quyết định.

 

Mức điều chỉnh cụ thể theo từng vùng năm 2019.

Theo phương án tăng lương 5,3% so với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 vùng 1 tăng lên 4.180.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng); vùng 2 lên 3.710.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng); vùng 3 lên 3.250.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng/tháng); vùng 4 lên 2.920.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng).

Một thành viên Hội đồng lương Quốc gia tiết lộ, tại phiên họp cuối cùng này, Tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổng hợp đưa ra hai phương án để lấy ý kiến biểu quyết tăng lương tối thiểu vùng năm 2019; đó là phương án 1 là 5,3% và phương án 2 là 6,1%. Cuối cùng, phương án tăng 5,3% được 100% các thành viên của Hội đồng tiền lương đồng ý.

Tại phiên họp thứ 2, vào tháng 7 vừa qua, vấn đề quan trọng được các bên tranh cãi là về cách xác định mức sống tối thiểu làm căn cứ tính mức lương tối thiểu năm 2019. Trong bối cảnh lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” là vấn đề hết sức quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Theo đó, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52%); còn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).

Bên cạnh đó, một điều Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hết sức băn khoăn là mức sống tối thiểu của người lao động do Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính Bộ phận kỹ thuật đưa ra năm 2017…

Phát biểu sau khi chốt phương án mức tăng lương tối thiểu năm 2019, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng: “Chúng tôi đồng ý mức 5,3%. Với mức tăng này, các DN sẽ phải phấn đấu để có thể đáp ứng được yêu cầu”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, ông hài lòng với mức tăng 5,3% trong năm 2019. “Đây là mức mà NLĐ ngoài việc bù trượt giá (4%/năm) thì vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy. Và với mức này thì DN cũng có thể chi trả được. Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm hai cùng chấp nhận được” – Thứ trưởng Diệp nói.

Trước đó, tại 2 phiên họp lần trước, các bên chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 cho phù hợp. Khoảng cách về mức tăng lương giữa đại diện giới sử dụng lao động và người lao động vẫn còn khá xa.

Cụ thể tại phiên họp đầu tiên, phía giới sử dụng lao động đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 0% nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển trong năm tới. Trong khi đó, đại diện cho người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức 8%.

Tại phiên họp thứ 2, đại diện giới sử dụng lao động đã có những nhượng bộ nhất định khi thu hẹp khoảng cách giữa các đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019.

Theo đó, đại diện cho giới sử dụng lao động gồm: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng 2%, Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may ủng hộ phương án tăng nhưng không đưa ra con số cụ thể.

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây