Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

1065

SUY NGHĨ VỀ TÍNH TRUNG THỰC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “trung thực” là sống phải thật thà, trung thực, thẳng thắn, nghĩa tình; trung thực là nói phải đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên trung thực trước hết là phải trung với nước, trung với Đảng, với cách mạng, phải trung thực trong thực hiện đường lối cách mạng của Đảng; trung thực với nếp sống của mình, thống nhất trong lời nói và việc làm; phải nghiêm túc với chính mình Ngày nay, học tập và làm theo Bác về đức tính trung thực trong mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi những mặc trái của nền kinh tế thị trường đã và đang tác động mạnh, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của một số cán bộ, công chức và biến họ thành những con người thực dụng, tha hoá,

Đức tính trung thực là hết lòng với mọi người, là thật thà, là ngay thẳng. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà, là người luôn được mọi người tin tưởng. Nói cách khác, Trung thực là một phẩm chất đạo đức thể hiện được sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm; giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người, mỗi cán bộ đảng viên, công chức. Đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, Hồ Chí Minh coi trung thực là nói đi đôi với làm. Trong bài giảng “Tư cách một người cách mệnh”, Người viết:… “Nói thì phải làm” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr. 260).

Có thể nói, trung thực là cái cốt lõi của đạo đức, trung thực với tổ chức, với nhân dân, với anh em, đồng chí, đồng nghiệp và với chính bản thân mình. Trung thực là tự đánh giá, tự phê bình để thực hiện phê bình cho tốt. Tính trung thực nên đặt lên hàng đầu nhằm chống lại sự giả dối, chống lại chủ nghĩa cơ hội. Người có đức tính trung thực là người dũng cảm nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi, họ có lòng tự trọng, biết trọng danh dự và có liêm sỉ.

Thực trạng, hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức của chúng ta nổi lên những tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thực dụng, tham ô, tha hóa biến chất, sai lệch mục tiêu lý tưởng, nói một đằng làm một nẻo, không trung thực. Khi mắc sai lầm thì không dám nhận, không có tinh thần sửa sai mà còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho khách quan.

Trong cuộc họp kiểm điểm, phê bình thì né tránh, du di nhưng ngoài lề lại bàn luận một cách sôi nổi, đem lỗi của người này người nọ ra để làm trò mua vui trong lúc lãng phí thì giờ làm việc. Thực tế cũng có không ít người có chức trách thì nể nang, xuê xoa, vì người mắc lỗi là cháu ông “A”, con bà “B” còn kẻ dưới quyền thì không dám góp ý thành thật sợ bị trù dập, sợ cái bệnh “nhớ lâu thù dai” của một số ít “lãnh đạo”. Từ đó tính trung thực, thật thà của mỗi người dường như bị căn bệnh “sợ” ăn mòn. Vậy thử hỏi nếu không nêu cao tính trung thực, thật thà thì một ngày nào đó mình sẽ phải tin ai ? Quần chúng nhân dân có còn tin vào Đảng, vào người lãnh đạo đất nước nữa hay không ? Một khi niềm tin bị đánh cắp thì hậu quả sẽ nguy hiểm thế nào ?

Để làm sống lại đức tính trung thực, thật thà dám nghĩ, dám nói, dám làm trong mỗi con người mới xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay, theo suy nghĩ bản thân tôi cần thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất: Mỗi cá nhân luôn vững vàng về chính trị, quyết tâm phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là người công dân gương mẫu, người lao động giỏi, làm việc với chất lượng tốt và hiệu quả cao; trung thực trong cuộc sống, tận tuỵ trong công việc.

Thứ hai: Có chí tiến thủ, tích cực học tập, tự rèn luyện để nâng cao kiến thức, phẩm chất và năng lực phù hợp với chức trách và nhiệm vụ được giao; Chủ động sáng tạo, nắm vững nguyên lý, áp dụng giải quyết trong công việc một cách nhanh chóng, khoa học, tránh dập khuôn máy móc.

Thứ ba: Luôn đề cao kỷ luật, xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nội quy, quy chế trong cơ quan, đơn vị. Tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Thứ tư: Thẳng thắn phê và tự phê bình một cách trung thực, nhằm góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp sửa chữa khuyết điểm kịp thời hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau góp sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh mọi mặt.

Thứ năm: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần khích lệ, biểu dương tinh thần phê và tự phê, trung thực, thẳng thắn trong thực hiện nhiệm vụ, để từ đó mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình trong suy nghĩ và hành động nhằm bảo vệ và xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập của quốc gia, dân tộc.

Trung thực, thẳn thẳng là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Vì vậy, mỗi người cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp. Là một cán bộ, đảng viên công chức cần cố gắng phát huy đức tính trung thực, thẳng thắn để góp phần hoàn thiện nhân cách và nhận được sự tin yêu của quần chúng nhân dân, của Đảng xứng đáng là con cháu của Bác Hồ./.

 

                                                                             Đào Ngọc Sáu  (Sưu tầm)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây