Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó mật thiết với Nhân dân bắt nguồn từ quan niệm của Người, coi Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Người viết:”…Trong bầu trời không gì quí bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân””Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ GẮN BÓ VỚI NHÂN DÂN
* Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với Nhân dân
– Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó mật thiết với Nhân dân bắt nguồn từ quan niệm của Người, coi Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Người viết:”…Trong bầu trời không gì quí bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân””Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
– Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với Nhân dân bắt đầu từ truyền thống dân tộc. Những quan niệm”Tập hợp bốn phương manh lệ”, “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân”, đã trở thành tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống dân tộc, năm 1955, Người viết: “…với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng – Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu của Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.
Tư tưởng gắn bó với Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Người chỉ ra nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do chưa tập hợp được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, là các cuộc cách mạng”không đến nơi”,bởi kết quả cuối cùng là chính quyền rơi vào tay một thiểu số người và bảo vệ lợi ích cho một nhóm ít người đó. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng Nga, rút ra nhiều bài học về huy động, tập hợp lực lượng từ Nhân dân, gắn bó với dân và luôn bảo vệ lợi ích của đa số quần chúng Nhân dân.
– Với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải tập hợp quần chúng Nhân dân cho phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1924, Người viết: “người ta không thể làm được gì cho Đông Dương nếu không phát huy được chủ nghĩa dân tộc ở họ…” . Vì vậy phải bắt đầu từ giác ngộ, tổ chức tập hợp quần chúng. Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tập hợp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân chính của mọi thắng lợi của cách mạng.Khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh nói: “Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để gìanh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.Khi nói về công việc”Kháng chiến kiến quốc”, Người hỏi: Ai thực hiện”kháng chiến kiến quốc”? và trả lời: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”.
– Để gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải:
+ “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”.
+ Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính”.
+ Với mỗi đảng viên”Bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”;
+”…Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”.
+ “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Phải kính yêu Nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của Nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”… Người dạy:”Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho Nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.
* Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời gắn bó với Nhân dân
– Sinh ra trong một gia đình nho nghèo, cùng sống với các tầng lớp Nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với Nhân dân. Khi còn đang là học sinh trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống thuế, giúp đỡ những người nông dân thể hiện các yêu sách của mình bằng tiếng Pháp.
– Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống và hoạt động cách mạng. Làm giáo viên trường Dục Thanh (Bình Thuận), người gắn bó với thanh niên học sinh, truyền cảm hứng cho họ về lòng yêu nước và trách nhiệm của người dân, đặc biệt thanh niên với Tổ quốc. Tiếp đó, Người đã học nghề và làm việc tại xưởng tàu với vai trò của người công nhân, trước khi xuống tàu ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào để về giúp nước”.
– Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu tiên sống ở nước ngoài, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên vẹn khi dọn các bàn ăn, dành để cho những người vô gia cư ở Luân Đôn sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa…
– Sự gắn bó với Nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong sự nghiệp cách mạng rất phong phú và không hiếm gian nan của Người. Hai lần bị bắt, bị giam trong tù, Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù cùng cảnh ngộ và nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp, Người sống trong dân, được giúp đỡ, chở che, và dân luôn ở bên Người, là nguồn lực, niềm tin của Người.
– Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn muốn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn không quên theo dõi cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp Nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 huy hiệu Hồ Chí Minh cho những người tốt, việc tốt. Trong 10 năm 1959-1969, với độ tuổi 70, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu tình cảnh của Nhân dân…
– Sự quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong bản Di chúc, lời dặn và sự”tâm nguyện” của Người. Điều đầu tiên Người muốn nói về con người. Trong những lời dặn lại, Người yêu cầu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân, không quên một ai, kể cả những người”lầm đường, lạc lối”hay những người là”hậu quả của chế độ cũ để lại”. Người dặn Đảng, Nhà nước phải dựa và dân để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới, bởi đây là “cuộc chiến khổng lồ”,chỉ có thể thực hiện được khi dựa vào dân.
Tấm gương suốt đời gắn bó với Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn của một anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
*Hiện nay trước những đổi thay của thế giới và hội nhập của đất nước. Mỗi chúng ta càng thấm nhuần hơn lời dạy của người, luôn học tập và làm theo tấm gương, phong cách đạo đức, Hồ Chí Minh: Luôn cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư .
– Trong công việc lấy tập thể làm gốc, luôn có trách nhiệm.
– Đi cơ sở dựa vào lực lượng cơ sở Đoàn địa phương, nhà trường.
– Sống tại nơi cư trú luôn thân thiện, giúp đỡ, hòa nhã với mọi người.
Đào Ngọc Sáu (sưu tầm tháng 8/2015)