Học nghề, nhiều trường 100% sinh viên có việc làm

839

TTO – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa công bố cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp – cao đẳng năm 2018, chuyển tải thông tin tuyển sinh của 328 cơ sở giáo dục nghề trên cả nước.

 

Sinh viên Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn thực hành hướng dẫn tour du lịch

Đây là tài liệu tham khảo quan trọng để thí sinh đăng ký xét tuyển giáo dục nghề nghiệp trong năm nay. Thông tin chi tiết bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

 

Thừa thầy – thiếu thợ

Ngoài thông tin tuyển sinh các trường với ngành, nghề đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển, cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh CĐ, trung cấp năm 2018 còn mô tả chi tiết các ngành, nghề đào tạo phổ biến mà xã hội có nhu cầu cao như mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp…

Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ở Việt Nam hiện nay, xu thế người học vào giáo dục đại học vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao của những người tốt nghiệp đại học trở lên.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hàng quý, tỷ lệ thất nghiệp rơi vào nhóm tốt nghiệp đại học trở lên luôn chiếm tỷ lệ cao.

Cụ thể, quý I/2014 có 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp. Quý I/2015 có 177.000 , quý I/2016 là 190.000 và quý I/2017 là gần 139.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp.

Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Năm 2012, cứ 1 người học đại học chỉ có 0,46 người trình độ trung cấp và 0,58 người lao động kỹ thuật. Năm 2016, cứ 1 người học đại học trở lên chỉ có 0,35 người trình độ cao đẳng và 0,56 người trình độ trung cấp và 0,39 người trình độ sơ cấp.

Do vậy, có thể thấy giáo dục nghề là một xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho thị trường lao động.

 

Được hỗ trợ học phí, dễ tìm việc làm

Năm 2018 cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với ngành nghề đào tạo đa dạng, nội dung đao tạo gắn với thực hành, thời gian đào tạo ngắn; thời gian học sơ cấp chỉ từ 3 tháng đến dưới 1 năm; học trình độ trung cấp chỉ từ 1 đến 2 năm, học cao đẳng là từ 2 đến 3 năm…

Chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp cũng ngày càng được nâng lên, thể hiện thông qua việc Việt Nam 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong tổng số 8 lần tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN.

Hiện nay, tại các trường chất lượng cao đang triển khai nhiều chương trình đào tạo được chuyển giao từ các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp, Hàn Quốc… với cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ, hiện đại; người học được học bằng tiếng Anh, tốt nghiệp được cấp bằng quốc tế để có thể tham gia vào các thị trường lao động ngoài.

Nhiều trường CĐ như Công nghệ cao Hà Nội, Đại Việt Sài Gòn, Quốc tế TP.HCM… cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Nếu sinh viên không có việc làm, trường sẽ hoàn trả học phí hoặc đào tạo bổ sung đến khi sinh viên tìm được việc làm.

Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ học phí đối với người học nghề. Ngoài con em gia đình có công cách mạng, học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, học sinh tốt ngiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp… thì người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh cũng được miễn giảm học phí…

 

MINH GIẢNG – TuoitreOnline
 
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây