Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế đạt được trong năm 2017, sang năm 2018, cùng với nhu cầu mở rộng kinh doanh cao nhất khu vực, thị trường lao động tại Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, cũng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ người lao động.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Kết quả cuộc khảo sát về thị trường lao động (LĐ) năm 2018 do trang mạng chuyên cung cấp thông tin việc làm JobStreet.com (tập đoàn SEEK Asia) tiến hành trong năm 2017, với sự tham gia của hơn 10 triệu ứng viên (5% làm công tác nhân sự) cho thấy, năm 2018, cùng với nhu cầu mở rộng kinh doanh cao nhất trong khu vực, thị trường tuyển dụng của Việt Nam được dự báo rất sôi động. Số lượng việc làm cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, mùa cao điểm tuyển dụng tại Việt Nam sẽ diễn ra vào nửa đầu năm, khoảng từ tháng 1 đến tháng 6. Sự tăng trưởng về cơ hội việc làm ở Việt Nam đến từ tăng trưởng 37,4% dòng vốn FDI trong 10 tháng qua, 68% số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Mức lương nhiều ngành nghề ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Với TP Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế đầu tàu của cả nước, qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng các DN tại thành phố và ứng dụng các phương pháp phân tích dự báo nhu cầu nhân lực, năm 2018, dự kiến TP Hồ Chí Minh có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng 5% so năm 2017; trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so năm 2017. Theo cơ cấu trình độ đại học trở lên chiếm 20%, cao đẳng là 17%, trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề 32%, sơ cấp nghề 10% và LĐ chưa qua đào tạo chiếm 21%. Đặc biệt, với việc TP Hồ Chí Minh mới được Quốc hội giao cho cơ chế đặc thù, phát triển kinh tế sẽ mạnh hơn kéo theo nhu cầu nhân lực phát triển.
Chia sẻ những dự báo về thị trường LĐ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, thị trường LĐ Việt Nam đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng LĐ giản đơn sang sử dụng nhóm LĐ có kỹ năng và trình độ cao. Dự báo thị trường LĐ Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, tỷ trọng LĐ trong ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 42,3% năm 2015 xuống còn 36,1% năm 2020; ngành công nghiệp tăng từ 24,3% năm 2015 lên 27,4% năm 2020; ngành dịch vụ tăng từ 33,4% năm 2015 lên 36,5% năm 2020.
Đến năm 2020, trong số 17 ngành kinh tế cấp 1 thì ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh LĐ nhưng vẫn là những ngành có số lượng LĐ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 38,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được dự báo là ngành tập trung LĐ đứng thứ 2 với số lượng LĐ chiếm khoảng 15,4%. Tiếp đó là ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy và xe có động cơ khác với số LĐ chiếm khoảng 11,73%. Ngành xây dựng với số lượng LĐ chiếm khoảng 8,28%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với số lượng LĐ chiếm khoảng 6,42%; ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số LĐ chiếm khoảng 0,96%…
Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phát huy hiệu quả
Theo báo cáo của Cục Việc làm, năm 2017, cả nước có hơn 1.639.000 LĐ được tạo việc làm (bằng 102,48% kế hoạch năm 2017), trong đó, số LĐ được tạo việc làm trong nước khoảng 1.505.000 người. Bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết việc làm trong nước, năm 2017 cũng được xem là năm thành công đối với hoạt động đưa LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với hơn 134,7 nghìn LĐ (bằng 127,6% kế hoạch năm 2017), góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo và đem lại cơ hội lớn trong việc tiếp thu khoa học – kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài.
Song song với phát triển kinh tế tạo việc làm, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ. Ước năm 2017, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 LĐ, đạt 110% kế hoạch. Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện cho LĐ thanh niên, LĐ nữ, LĐ là người khuyết tật, LĐ là người dân tộc thiểu số, LĐ vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.
Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Việc làm cho biết, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về việc làm và thị trường LĐ, năm 2017, Cục Việc làm đã tham mưu cho Bộ thường xuyên hướng dẫn các địa phương giám sát và điều tiết quan hệ cung – cầu LĐ trên thị trường LĐ, nâng cao năng lực hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin thị trường LĐ; nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu; từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ; thu thập, cập nhật, phân tích và xử lý thông tin thị trường LĐ kịp thời, đầy đủ, chính xác; dự báo thị trường LĐ trong ngắn hạn và dài hạn.
Công tác phân tích dự báo cũng được chú trọng. Năm 2017, đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về phát triển thị trường LĐ phục vụ các hội nghị, hội thảo của Bộ, đặc biệt là những báo cáo phân tích và dự báo nhu cầu sử dụng LĐ trong các loại hình DN phục vụ các hội nghị tuyển sinh học nghề của Bộ và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Hướng dẫn các địa phương cập nhật, phổ biến thông tin thị trường LĐ, tổng hợp báo cáo tình hình thị trường LĐ của vùng và địa phương, tăng cường kết nối cung – cầu LĐ. Hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng phát huy được hiệu quả hoạt động, thông tin thị trường LĐ được phổ biến rộng rãi đến NLĐ với nhiều hình thức đa dạng; tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung – cầu lao động cao hơn, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể liên quan quyền có việc làm của NLĐ và quyền tuyển dụng LĐ của người sử dụng LĐ, bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ LĐ. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho NLĐ, nhất là cho các nhóm lao động yếu thế; các chính sách hỗ trợ NLĐ thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường LĐ (chính sách bảo hiểm thất nghiệp); các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng LĐ, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường LĐ nhằm kết nối cung – cầu LĐ; các chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp… góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho NLĐ, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: đầu tư nâng cao năng lực hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường LĐ qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tổ chức điều tra, khảo sát thị trường LĐ phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường LĐ; hỗ trợ LĐ di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và LĐ vùng biên; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào phát huy giá trị cốt lõi của chính sách này là tổ chức hệ thống thông tin thị trường LĐ, hỗ trợ DN tránh sa thải và duy trì việc làm cho NLĐ, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho NLĐ để thích ứng những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường LĐ; nâng cao năng lực, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.
“Về phía địa phương, trên cơ sở Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thực tế về LĐ, việc làm tại địa phương, đề nghị Sở LĐ-TB&XH xây dựng và tham mưu, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đẩy mạnh giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường LĐ tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án theo hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư; báo cáo UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của dự án; bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã; kinh phí giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của dự án tại địa phương”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.