Trong kho tàng tri thức quý giá của nhân loại, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” chiếm một vị trí đặc biệt và có sức cảm hóa lớn. Dù ở bất kỳ cương vị nào, từ một người phụ bếp trên con tàu “Amiran Latouche Tre ville” lúc ra đi tìm đường cứu nước, cho đến khi trở thành Lãnh tụ của một nước độc lập, Người vẫn giữ được nếp sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực, luôn một lòng vì nước, vì dân.
Theo lời kể của những người từng được sống gần Bác và qua những tư liệu còn lưu trữ được, chúng ta thấy từ việc ăn, mặc, ở đến sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, Bác đều hết sức giản dị, tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Bác quy định không quá 3 món và thường là các món dân tộc đơn giản như: tương cà, dưa, cá kho… Bác nói: Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki… Khi nhận xét về phong cách của Bác, Tuần báo “Day Paris” ra ngày 18-6-1946 đã viết:
“Chủ tịch nước Việt là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê”?
Hai mươi lăm năm sau bài viết trên, năm 1971, sau khi Bác mất, một người Mỹ – nhà báo, nhà văn Đâyvít Hanbơcstơn – trong cuốn sách của mình, do Nhà xuất bản Răngđôm Haosơ ở New York ấn hành đã viết:
“… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt . Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt , ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất – cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất – một phong cách mà Phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày, họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.
Trong một nước khi mà dân chúng đã thấy những người đứng đầu đạt tới một địa vị nào đó rồi trở thành “Tây” hơn là “Việt Nam”, bị quyền lực, tiền bạc và lối sống phương Tây làm thối nát; trong một nước khi những người đó đã ngoi lên khá cao thì không làm gì cho dân chúng cả, lập tức bị bán mình cho người nước ngoài, tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt : kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử, đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách, những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ biết. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội kém phát triển…”.
Một tờ báo nước Pháp đã khẳng định: “Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông…”.
Hiện nay, Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư – Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc cần thực hiện trước mắt đó là đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả. Đây chính là yêu cầu vừa mang tính lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay, vừa là yếu tố cơ bản để hình thành đạo đức cách mạng của người Việt trong thời đại mới. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải luôn nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, tránh những biểu hiện vun vén cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… luôn đề cao tinh thần làm việc có trách nhiệm, có lương tâm, sâu sát quần chúng, sâu sát cơ sở, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; đồng thời nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, ưu tiên lợi ích chung để phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY THÁI BÌNH