Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội

820

Kể từ ngày thành lập (3/2/1930) đến nay, Đảng ta đã trải qua 11 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội của Đảng đều gắn với những giai đoạn lịch sử. Các đại hội của Đảng là dịp tổng kết lý luận và thực tiễn của giai đoạn trước đó; xây dựng và quyết định đường lối lãnh đạo cho giai đoạn tới; đồng thời bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Đại hội đại biểu lần thứ nhất (từ ngày 28 – 31/3/1935).

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp tại một địa điểm ở phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng đã phục hồi. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu: 2 đại biểu của Ban Chỉ huy ở ngoài, 3 đại biểu đến từ Cao Miên, Nam Kỳ và Trung Kỳ, 1 đại biểu của Lào, 2 của Bắc Trung Kỳ, 2 đại biểu của Bắc Kỳ (cuối Đại hội mới tới), 3 đại biểu đến từ Xiêm (Thái Lan). Đại hội do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Lúc này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản và đồng chí Lê Hồng Phong đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự được.

Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các Nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: Công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự vệ, công tác cứu tế đỏ; Nghị quyết về các chương trình hành động; Nghị quyết về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương; Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ của Tổng Công hội đỏ Đông Dương, Điều lệ Nông hội làng, Điều lệ của Đông Dương phản đế liên minh, Điều lệ Hội Cứu tế đỏ Đông Dương, Điều lệ của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 uỷ viên (9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (từ ngày 11 – 19/2/1951)

Đại hội diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Về dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan).

Đại hội đã bàn định: Đảng ra công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam; Đường lối cách mạng Việt, Miên (Campuchia), Lào; Chính cương và Điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam; Tuyên ngôn của Đảng. Những vấn đề quan trọng khác cũng đã được thảo luận và thông qua tại Đại hội như: Quân sự, Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền, kinh tế tài chính, thi đua, đấu tranh tư tưởng… Đại hội quyết định xuất bản báo Nhân Dân – cơ quan trung ương của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương được bầu hợp thức trong Đại hội. Trước kia, chỉ bầu trong Hội nghị toàn quốc (như Hội nghị Tân Trào), hoặc chỉ định. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm có 7 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết. Đại hội đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng; đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (từ ngày 5 – 10/9/1960)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội giữa lúc toàn dân ta tưng bừng kỷ niệm 15 nǎm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 – 2/9/1960). Tham dự Đại hội có hơn 500 đại biểu thay mặt 50 vạn đảng viên tiêu biểu trong cả nước.

Đại hội đã tiến hành tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng (1930 – 1960), nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội phân tích kỹ đặc điểm, tình hình cách mạng Việt Nam, quyết định đường lối cách mạng XHCN, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đường lối cách mạng miền Nam nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đề ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; quyết định đường lối tổ chức để tǎng cường sức chiến đấu và sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 đồng chí và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (từ ngày 14 – 20/12/1976)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Có 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên trong cả nước dự Đại hội. Trong số đại biểu: có 214 đại biểu vào Đảng trước Cách mạng tháng Tám 1945; 200 đại biểu đã từng bị đế quốc giam cầm, 39 đại biểu là anh hùng các lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 142 đại biểu là nữ, 98 đại biểu đại diện các dân tộc thiểu số… Đến dự Đại hội còn có 29 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản, Đảng công nhân, Phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.

Đại hội đã thông qua những văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976 – 1980); Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm có 11 chương, 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức vụ Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 uỷ viên chính thức và 32 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (từ ngày 27 – 31/3/1982)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Trong số đại biểu: có 14 đảng viên từng tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng; 102 đại biểu hoạt động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; 118 đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số phía Bắc và Tây Nam; 79 đại biểu là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua; một phần ba số đại biểu có trình độ từ đại học trở lên, nhiều đại biểu là cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Đến dự Đại hội có 47 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; nghe Báo cáo phương hướng nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981-1985). Đại hội đã thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng; thông qua Nghị quyết Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng và những đề nghị cụ thể về bổ sung Điều lệ Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (từ ngày 15 – 18/12/1986)

Đại hội diễn ra tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội còn có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn. Đại hội đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công – nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm: chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI gồm 124 uỷ viên chính thức và 49 uỷ viên dự khuyết.Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng  (Nguồn:baotanglichsu.vn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (từ ngày 24 – 27/6/1991)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2.155.022 đảng viên ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau từ mọi miền của đất nước hoặc đang công tác ở nước ngoài. Đến dự Đại hội còn có các đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba. Dự khai mạc Đại hội còn có đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản thường trú tại Hà Nội và các đơn vị trong đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc gia và quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội.

Đại hội đã thông qua: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; Điều lệ Đảng (sửa đổi).

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) gồm 146 uỷ viên. Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (từ ngày 28/6 – 1/7/1996)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước.

Đại hội đã thông qua: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII; Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 1996 – 2000; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII bao gồm 170 uỷ viên, bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao nhiệm vụ làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc phát triển mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Đại hội VIII của Đảng là Đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Kết quả của Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc và tương lai đất nước vào lúc chúng ta sắp bước vào thế kỷ XXI.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (từ ngày 19 – 22/4/2001)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế – xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đại hội IX có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ta ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010 và Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001 – 2005. Đại hội đã thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 đồng chi. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội IX của Đảng diễn ra trong bối cảnh loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh dân tộc ta đứng trước những thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn. Đại hội có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”;hoạch định đường lối cho sự phát triển của đất nước trong những năm 2001 – 2005 và 2001 – 2010.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (từ ngày 18 – 25/4/2006)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Trong đó có 144 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, 1.023 đại biểu được bầu cử từ đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 9 đại biểu của Đảng bộ ngoài nước do Trung ương chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2001 – 2005), chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2001 – 2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006 – 2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá X.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã quyết định: Thông qua Báo cáo Chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX trình Đại hội; giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X căn cứ vào kết quả biểu quyết và những kết luận của Đại hội để hoàn chỉnh và chính thức ban hành. Thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi. Đồng thời, giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương đã nêu trong các văn kiện Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (từ ngày 12 – 19/1/2011)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. (Nguồn: chinhphu.vn)

Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XI là 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là ủy viên dự khuyết, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2001 – 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011 – 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 – 2015).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm 175 đồng chí ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Trong số 175 ủy viên chính thức có 72 đồng chí lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, 16 đồng chí từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Trong số ủy viên chính thức có 14 đồng chí là nữ.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư gồm 4 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI./.

Theo ĐCSVN
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây