Bài học từ tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Bác Hồ

756
Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Bác kính yêu của chúng ta dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. Mục tiêu, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời là vì dân.
Tính trung bình mỗi năm Bác đi xuống cơ sở 60 lượt

Tư tưởng trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân không những được thể hiện trong những trang viết, lời nói về dân, dân chủ của Người, mà nó còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong vòng 10 năm (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc.

Tính trung bình mỗi năm Bác đi xuống cơ sở 60 lượt. Trọng dân, Người đến với dân. Trọng dân, Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù, một nắng hai sương, an ủi họ, tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội sống tốt, sống khoẻ, sống vì mình, vì người, vì cộng đồng của 54 dân tộc anh em.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”.

Đi cơ sở, về với dân rất ít khi Người báo trước, bởi Người muốn nắm người thật, việc thật, thông tin thật từ cơ sở. Về với địa phương, những nghi thức rườm rà và những nghi lễ đón tiếp trang nghiêm, khẩu hiệu chào mừng, đoàn xe hộ tống, hàng rào danh dự… như  một thứ xa lạ đối với Người.

Đặc biệt, Người rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến kiểm tra, nắm tình hình. Có lần Người nói như một lời tâm sự: “Dân ta có câu há miệng mắc quai, về cơ sở mà ăn uống, nhận quà thì làm sao có thể phê bình được cơ sở? Hiện tượng “khách ba, chúa nhà bảy” không chỉ gây tốn kém mà còn mang tiếng với dân”. Người cảnh báo: “Cán bộ về xã không khéo thành cán bộ thịt gà, lá chanh. Chủ tịch nước không khéo đi đến đâu bò non, lợn béo bị giết thịt hết đến đó”.

Trong nhiều năm qua, Đảng ta chủ trương học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp như gần dân hơn. Các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ về xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân. Các cấp chính quyền với người đứng đầu đã thực hiện quy định tiếp dân một cách thường xuyên, nề nếp. Các cơ quan công quyền trong tỉnh đều đã và đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cửa, thông thoáng, nhanh chóng, thuận lợi hơn cho nhân dân và được nhân dân đồng tình. Nhiều lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước đã công bố địa chỉ facebook và thư điện tử (email) công khai để Nhân dân trao đổi thông tin khi cần. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã nở những nụ cười tươi khi Nhân dân đến công sở giải quyết công việc và đã biết xin chào, xin phép, xin cảm ơn và xin lỗi dân…

Tuy nhiên, hiện tượng quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, ức hiếp quần chúng nhân dân, vô cảm trước nỗi đau của dân vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với nhân dân; đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và chính quyền. Đó là hành vi của những cán bộ, đảng viên xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn bổn phận là công bộc của dân.

Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự Nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những bức xúc của Nhân dân để kịp thời giải quyết hợp lòng dân; đồng thời phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm trước quần chúng nhân dân; nghiêm túc, trân trọng và chân thành tiếp thu góp ý của Nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm./.

 

(Nguồn danvan.vn)- ĐH

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây