Giải phóng “một nửa thế giới” như lời Bác dặn

602
Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho phụ nữ những tình cảm đặc biệt. Không chỉ đánh giá đúng vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Người còn nhấn mạnh yêu cầu giải phóng “phần nửa xã hội” và luôn là nguồn động viên, cổ vũ cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa phong lan cho ba đại biểu nữ dân quân Quảng Bình và Vĩnh Linh, năm 1968.

CỔ VŨ, ĐỘNG VIÊN PHỤ NỮ GÓP SỨC CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Bôn ba đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với con đường cứu nước của Lênin vĩ đại. Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, ý thức sâu sắc rằng, cứu nước là công việc chung của tất cả mọi người, hơn ai hết, Người hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, để từ đó đánh giá đúng về họ, đặt niềm tin vào họ. Người không chỉ đồng cảm với thân phận phụ nữ phải chịu sự áp bức của thực dân Pháp và cả sự khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến: “Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”, “phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”, “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”… mà còn đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội, trong sự nghiệp giải phóng.

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước… An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” và động viên, khích lệ, kêu gọi “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vậy… bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”. Không chỉ là người Việt Nam đầu tiên đặt nhiệm vụ giải phóng phụ nữ trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định phụ nữ là một lực lượng hùng hậu trong sự nghiệp cách mạng và “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1). Tiếp đó, để tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân, đế quốc đối với nhân dân thuộc địa; trong đó, có phụ nữ với nhiều biện pháp khác nhau, như viết sách, báo, tạp chí, phát biểu tại các diễn đàn quốc tế quan trọng… Bằng những dẫn chứng cụ thể, sinh động, Người chỉ ra rằng, ở những nơi đó, phụ nữ và trẻ em thường xuyên bị ngược đãi, bị chà đạp; lúc nào và bất kỳ ở đâu, họ cũng không thoát khỏi các hành động bạo ngược của bọn quan lại thống trị. Vì thế, để giải phóng người phụ nữ thực sự, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do mình soạn thảo, được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng mùa xuân năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nội dung “Nam nữ bình quyền” thành một mục ngang bằng với các mục “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”… và coi đó là một trong những nội dung quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Có Đảng lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam bắt đầu một chương mới trong lịch sử: họ không còn chỉ quanh quẩn làm công việc nội trợ mà đã trở thành một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thông qua đó, giải phóng chính bản thân mình. Khi sáng lập Mặt trận Việt Minh năm 1941, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác binh vận, hậu cần, tuyên truyền… Hội phụ nữ giải phóng, Hội phụ nữ cứu quốc mà sau này là Hội Phụ nữ Việt Nam đã tuỳ sức lực và khả năng của mình, đóng góp cho thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nước nhà được độc lập, người dân được đổi đời. Ở Việt Nam, phụ nữ ngang quyền với đàn ông, được đi bầu cử và thực tế, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập bầu Quốc hội khóa I, “phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Mặc dù Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ, song để thực sự được giải phóng, thực sự bình đẳng, hưởng hạnh phúc gia đình một vợ, một chồng, được tự do phấn đấu vươn lên, người phụ nữ Việt Nam không chỉ thụ động ngồi chờ Đảng và Chính phủ mang đến cho họ các quyền (bao gồm cả quyền lợi và nghĩa vụ) mà tự bản thân mình cũng phải bền bỉ đấu tranh. Thực tế là, phụ nữ Việt Nam vẫn còn một số người hay lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, lại gặp nhiều khó khăn về công việc chăm sóc gia đình, con cái… Nên, muốn được giải phóng thực sự, thì bản thân mỗi người không nên ỷ lại mà phải tự tin tưởng ở khả năng của mình, quyết tâm học tập, tham gia các cấp Hội phụ nữ và nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau giải quyết mọi khó khăn… để cùng tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi chị em dân công lao động đào mương chống hạn ở Từ Liêm, Hà Nội, ngày 16/12/1958

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có rất nhiều tiến bộ”(2).Tuy nhiên, hiểu rất rõ rằng cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ không thể kết thúc một sớm, một chiều được; một mặt, Người đã động viên chị em tự mình khắc phục khó khăn, cố gắng phấn đấu vươn lên và mặt khác, cổ vũ, “mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa”(3). Theo Người, phụ nữ Việt Nam phải hăng hái đón nhận cả quyền lợi và trách nhiệm của người làm chủ đất nước: tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội… Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ Việt Nam phải xoá bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường và tự lập; phải nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật và luôn phải phát huy sáng kiến trong mọi mặt công tác, tự mình cố gắng vươn lên để khẳng định mình.

Chuyện kể rằng, quan tâm và luôn động viên phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, khi về thăm quê hương Nghệ An ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến vai trò của chị em phụ nữ, đã “nêu một công trạng của chị em phụ nữ tỉnh ta. Đó là phong trào chăn nuôi gia súc”. Khi đó, Người khen ngợi phụ nữ huyện Anh Sơn, Nghi Lộc có phong trào nổi trội hơn, song vẫn phải cố gắng hơn nữa, để có kết quả cao hơn, để làm mẫu, làm gương cho chị em khác cùng thi đua. Còn chị em các huyện khác phải thi đua cho kịp với chị em ở huyện Anh Sơn, Nghi Lộc… Ngày 9/12/1962, đến thăm nhà máy Cơ khí Vinh, khi nói về những sáng kiến trong cải tiến sản xuất của công nhân nhà máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi, “các cháu trai có sáng kiến nhiều hơn hay các cháu gái có sáng kiến nhiều hơn?”… Khi biết các cháu trai có nhiều sáng kiến hơn, Người đã nhẹ nhàng động viên “các cháu gái phải cố gắng”…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực chất giải phóng phụ nữ không phải chỉ là thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng trong những công việc của một gia đình mà còn là sự phân công, sắp xếp lại lực lượng lao động của toàn xã hội. Chỉ khi nào làm được như vậy, người phụ nữ mới có điều kiện cả về thời gian và trí lực để tham gia ngày càng nhiều hơn vào những công việc xã hội; đồng thời, đảm nhiệm được những chức vụ công tác như nam giới trong hệ thống chính trị. Đấu tranh để giải phóng phụ nữ ở Việt Nam thực sự là một cuộc đấu tranh to và khó, lâu dài và gian khổ, vì “trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại, vì nó đã ăn sâu trong đầu mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”(4). Khó, nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được; và vì thế, trong từng chủ trương, chính sách, trong mỗi quyết sách: việc cất nhắc và giao trọng trách cho phụ nữ tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải gắn liền với việc giải phóng phụ nữ…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”, cho nên, những gì trái với quy tắc nam nữ bình đẳng, Người đều có thái độ kiên quyết phản đối và luôn khẳng định: Đảng, Chính phủ luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ; Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v.. đều nhằm mục đích ấy”. Người cũng đồng thời nhắc nhở các cấp, các ngành cần quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới. Tuỳ theo tính chất công việc, tuỳ theo điều kiện sức khoẻ, phẩm chất và năng lực của người phụ nữ, Người đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện để chị em được học tập tốt, tham gia lao động tốt, đóng góp sức mình cho Tổ quốc… Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình ngày 1/1/1967, Người nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.

Tin tưởng vào khả năng, sự đóng góp và tinh thần hy sinh cao cả của những người phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn cổ vũ, động viên chị em tiến lên phía trước và “mong phụ nữ ta ra sức phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và toàn dân ta bảo vệ độc lập và tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”(5). Không phụ lòng Người, phụ nữ hai miền Nam, Bắc đã tích cực đóng góp sức mình cho đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng, với danh hiệu: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” Người đề tặng. Trên tinh thần đó, ở miền Bắc, phụ nữ đã ngày càng chủ động hơn trong mọi công việc, hoàn thành rất tốt những công việc mà trước đó những người chồng, người con lên của mình đã từng làm; làm cho hậu phương xứng đáng với tiền tuyến. Còn ở miền Nam, những đội quân tóc dài, những anh hùng, dũng sĩ là thiếu nữ, là phụ nữ thật nhiều, ngày mỗi ngày góp sức mình cho một miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải. Vì vậy, không chỉ khẳng định “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh “Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng” và “từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta có rất nhiều đóng góp cho cách mạng”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huy hiệu cho đại biểu tại Đại hội Những người xuất sắc trong phong trào Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô, ngày 2/12/1965

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(6).

TIẾP TỤC THỰC HIỆN MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ

Thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước đã thông qua các chính sách về bình đẳng giới; đã luật hóa các quy định liên quan trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (tiêu biểu là CEDAW – Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) qua các văn bản pháp luật tiêu biểu như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đánh dấu bước ngoặt và có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam; trong đó, quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, gia đình và xã hội; trong đó ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”…

Đồng thời, Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; đã thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia như: Chiến lược toàn diện tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010… Theo đó, bộ máy tổ chức thực thi bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã được hình thành và đi vào hoạt động, bao gồm: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.

Vừa tròn 50 năm Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, công cuộc giải phóng phụ nữ cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, những cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý giỏi; trong đó, có cả cán bộ cấp cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Chủ tịch Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy…; những người phụ nữ nghiên cứu khoa học đầy tài năng; những người phụ nữ lao động vừa “giỏi việc nước vừa đảm việc nhà”; những nữ đoàn viên, thanh niên, sinh viên, các em thiếu niên, nhi đồng nữ,v.v.. xinh đẹp, tài năng hôm nay đã, đang, sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nỗ lực phấn đấu vươn lên để tự giải phóng mình, không chỉ khẳng định mình mà còn góp sức cho công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.

Một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới cũng đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt; trong đó, có Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và các hoạt động chính trị. Việt Nam cũng đã xóa bỏ bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học và có tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ đại diện nữ giới trong Quốc hội khá cao; với chỉ số về giới cao hơn so với các nước khác trên thế giới có cùng mức độ phát triển: “Hiện tại, tỷ lệ nhập học tiểu học đối với trẻ em gái là 91,5% và trẻ em trai là 92,3%. Tỷ lệ nhập học trung học cơ sở là 82,6% đối với trẻ em gái và 80,1% đối với trẻ em trai. Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông của trẻ em gái là 63,1% và của trẻ em trai là 53,7%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 73% trong khi tỷ lệ của nam giới là 82%. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội là 24,4%”…

Chương trình nghị sự 2030, với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 25/9/2015; trong đó, ý tưởng chủ đạo của SDGs là giải quyết mục tiêu còn dang dở – “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tham vọng giải quyết bất bình đẳng, đảm bảo kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xây dựng các xã hội hoà bình và toàn diện… Bình đẳng và bình đẳng giới được đặt ra như một ưu tiên lớn của SDGs; được lồng ghép vào tất các các mục tiêu. Đặc biệt, có một mục tiêu riêng cho bình đẳng giới – SDG5, đó là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái bên cạnh SDG10 về Giảm bất bình đẳng nói chung.

SDG5 có 6 chỉ tiêu cụ thể: 1) Chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái; 2) Xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái; 3) Xóa bỏ các tập tục có hại; 4) Công nhận việc chăm sóc và việc nhà không được trả công và khuyến khích chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; 5) Đảm bảo phụ nữ tham gia đầy đủ, hiệu quả và có các cơ hội bình đẳng để nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định về chính trị, kinh tế và trong cuộc sống; 6) Đảm bảo tiếp cận phổ quát với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền tình dục, sinh sản.

SDG5 nêu 3 cách thức thực hiện: 1) Cải tổ để trao quyền bình đẳng cho phụ nữ đối với các nguồn lực; 2) Tăng cường sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; 3) Thông qua và thực hiện các chính sách tốt và pháp luật có tính hiệu lực cao, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các cấp.

 

Việt Nam đã đạt được thành tựu cơ bản, những tiến bộ lớn về các mục tiêu bình đẳng giới, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục, những chính sách cần được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Vì vậy, để khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện “một nửa thế giới” được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong Di chúc, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các ban, ngành chức năng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh tuyên truyền về SDGs, góp phần thực hiện tốt SDG5 thông qua các hoạt động của Hội.

Theo đó, cần: 1) Chủ động tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới… 2) Thúc đẩy phụ nữ tham chính; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin… 3) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo để nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp, năng lực quản lý kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường cho phụ nữ… 4) Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt cho phụ nữ tại từng địa phương, v.v..

Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển phụ nữ, phụ nữ Việt Nam ngày càng hiện đại, tự tin, năng động, độc lập và vững vàng hơn trước những vận hội và thách thức; tự bảo vệ mình, từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

——————-

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011,  t.7, tr.340

 

(2), (3), (4), (5) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, H, 1960, tr.20, 20, 31, 63

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617

 

(Nguồn tuyengiao.vn)- ĐH

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây