Đổi mới phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước hiện nay

952

Phong cách công tác là một yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (LĐQLCC) trong cơ quan Đảng, Nhà nước; là những phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, tổ chức. Phong cách công tác giúp cho người cán bộ LĐQLCC hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

 

Phong cách công tác tạo nên nét riêng của người cán bộ LĐQLCC; có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả làm việc của bản thân và tổ chức do họ đứng đầu. Người cán bộ LĐQLCC có mối quan hệ hữu cơ với tập thể trong một thể thống nhất của tổ chức bộ máy nhưng là người đứng đầu, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả tổ chức và vận hành của bộ máy, đặc biệt là trong những bước ngoặt của tổ chức, của cách mạng. Đổi mới phong cách công tác của người cán bộ LĐQLCC, trước tiên là thực hiện các nguyên tắc trong lãnh đạo, quản lý, “thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”.

Phong cách công tác của cán bộ LĐQLCC có ảnh hưởng lớn đến phong cách, phương pháp, tác phong công tác của các thành viên trong tổ chức. Người cán bộ LĐQLCC có phong cách làm việc tốt sẽ tạo nên một “phong trào” mang tính xã hội cao, một “điểm tựa”, một “đầu tàu”, một tấm gương để các thành viên trong tập thể học tập và làm theo. Đổi mới phong cách công tác của cán bộ LĐQLCC là cơ sở, điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của tập thể tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thực tế cho thấy, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, người cán bộ LĐQLCC có những lúc, những công việc chưa hoàn thành tốt, không phải do thiếu kiến thức và sự nhiệt tình, trách nhiệm hay phương tiện, vật chất bảo đảm mà là do thiếu phong cách, phương pháp, tác phong công tác thích hợp, khoa học. Phong cách công tác của người cán bộ LĐQLCC được đánh giá là tốt, khoa học khi họ tạo ra được không khí, môi trường sống và làm việc thực sự dân chủ trong cơ quan, đơn vị để mọi thành viên được giải phóng tư tưởng và năng lực cá nhân, được làm việc và cống hiến hết mình cho tổ chức, cơ quan, đơn vị; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, các lợi ích chính đáng giữa cá nhân và tập thể. Nội dung căn bản của phong cách công tác của cán bộ LĐQLCC bao gồm:

– Thống nhất lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn, thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Người cán bộ LĐQLCC phải có một hệ thống kiến thức lý luận cần thiết, có năng lực tư duy khoa học, làm chủ tri thức, khoa học hiện đại, nhất là kiến thức về lý luận cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức liên ngành, kiến thức về khoa học xã hội, nhân văn, pháp luật, ngoại ngữ, tin học… Đồng thời, phải có kỹ năng hoạt động thực tiễn, năng lực vận dụng những tri thức khoa học vào lãnh đạo, tổ chức thực tiễn; phân tích, soi sáng thực tiễn, xây dựng các giải pháp để cải tạo thực tiễn. Thông qua thực tiễn công tác, đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của mình. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức, trình độ học vấn, kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực tiễn, nói đi đôi với làm. Người cán bộ LĐQLCC phải quán triệt quan điểm thực tiễn trong tư duy và hoạt động. Chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị là thước đo phẩm chất, năng lực và kết quả công tác của người cán bộ LĐQLCC.

– Khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại. Người cán bộ LĐQLCC phải làm việc có kế hoạch theo tiến trình công việc được sắp xếp ngăn nắp, hợp lý, chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng; coi trọng tính thiết thực và hiệu quả; có kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, quản lý; có khả năng dự liệu được tiến trình phát triển và kết quả của công việc. Khi xây dựng kế hoạch phải có sự điều tra, nghiên cứu, đánh giá đúng đặc điểm tình hình, yêu cầu nội dung công việc, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng; cân nhắc, xem xét kỹ các điều kiện, khả năng về nhân lực, vật lực bảo đảm tính khả thi cao. Người cán bộ LĐQLCC phải đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật; luôn ghép mình vào tổ chức, kỷ luật, chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kỷ cương, nội quy của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc chính quy, văn minh; làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong việc ứng dụng vào hoạt động lãnh đạo, quản lý.

– Dân chủ, tôn trọng tập thể. Cán bộ LĐQLCC phải coi trọng dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể; biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, sáng kiến của đồng nghiệp, của tập thể cơ quan, đơn vị. Giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa tập thể lãnh đạo với đề cao và phát huy vai trò của cá nhân người chủ trì; có phương pháp, tác phong công tác mang tính dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, loại trừ phong cách công tác theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, máy móc, quan liêu, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, xa dân, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tuỳ tiện, tự do vô ý thức tổ chức kỷ luật. Sức mạnh và trí tuệ của cán bộ LĐQLCC được nhân lên và phát triển từ sự làm việc có tính tổ chức, tôn trọng tập thể. Kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ LĐQLCC luôn gắn liền với kết quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

– Tự chủ, năng động, sáng tạo, có tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Người cán bộ LĐQLCC các cơ quan Đảng, Nhà nước phải có năng lực ra quyết định đúng đắn, kịp thời trong việc đề ra chủ trương, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Có khả năng làm việc độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám đề xuất chủ trương, sáng kiến, dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về các quyết định và việc làm của mình, nhất là trong những tình huống khó khăn, phức tạp. Không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào tập thể, vào cấp trên. Không chấp hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị một cách máy móc, cứng nhắc, giáo điều, mà phải sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

– Sâu sát công việc, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Người cán bộ LĐQLCC khi giao và nhận nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng từng loại việc, đến từng tổ chức, từng người theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cá nhân và tổ chức; phải sâu sát công việc, sâu sát cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng, nắm chắc đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, tâm tư, nguyện vọng, phẩm chất, năng lực của cán bộ, nhân viên thuộc quyền; tiến độ, kế hoạch chất lượng, hiệu quả công việc. Phong cách công tác này của cán bộ LĐQLCC phải được thể hiện ở tất cả các khâu, các bước của quy trình lãnh đạo, quản lý.

– Giản dị, khiêm tốn, gắn bó mật thiết với đồng nghiệp, với quần chúng. Cán bộ LĐQLCC phải gắn bó, tin yêu, tôn trọng, quan tâm đến đồng nghiệp, quần chúng; thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào quần chúng để rèn luyện và trưởng thành. Cán bộ LĐQLCC vừa là người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, quy tụ và phát huy sức mạnh của tập thể, của quần chúng, vừa học hỏi làm giàu tri thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo từ tập thể, từ quần chúng; biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, sáng kiến của tập thể, của quần chúng; nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp, của quần chúng bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn, sát hợp.

Việc đổi mới, xây dựng phong cách công tác của cán bộ LĐQLCC trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, gắn với sự quan tâm, theo dõi, giúp đỡ của tổ chức, cơ quan, đơn vị và lãnh đạo cấp trên; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình. Coi trọng phong cách nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ LĐQLCC về phẩm chất, năng lực, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác. Gắn lời nói với việc làm, nghiên cứu lý luận với hoạt động thực tiễn. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên phải là tấm gương sáng đối với cấp dưới và quần chúng nhân dân. Động viên, khuyến khích, ủng hộ, bảo vệ những cán bộ LĐQLCC dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

Hai là, đổi mới việc quản lý, bồi dưỡng về phong cách công tác của cán bộ LĐQLCC. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ với nâng cao phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, lối sống, kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ LĐQLCC để tạo điều kiện cho cán bộ vừa nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, vừa rèn luyện, xây dựng phong cách công tác và trưởng thành, phát triển qua thực tế, cơ sở.

Ba là, đổi mới chính sách, chế độ đãi ngộ, bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần, cải thiện đời sống cán bộ LĐQLCC gắn với việc sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hoá, biến chất, yếu kém về phẩm chất, năng lực, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với công việc, mất uy tín trong tập thể cơ quan, đơn vị và với quần chúng. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, đổi mới, hoàn thiện hệ thống thể chế, xây dựng chế độ công vụ rõ ràng, minh bạch. Thực hiện đầy đủ, đúng đắn các nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động công vụ. “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Đề cao trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ LĐQLCC trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể vừa phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu tổ chức. Quy định rõ chế độ trách nhiệm, các yêu cầu, tiêu chí cơ bản về phong cách công tác, lề lối làm việc của cán bộ LĐQLCC trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Năm là, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước. Mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quần chúng nhân dân được kiểm tra, giám sát, góp ý kiến phê bình cán bộ LĐQLCC.

 

TS. Trần Đình Thắng – Học viện Kỹ thuật quân sự

Sưu tầm: Ngọc Sáu

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây