Rèn luyện tác phong làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở theo phong cách Hồ Chí Minh

3555

Thực hiện NQ chi bộ tháng 9/2016(Tìm hiểu học tập phong cách HCM về phong cách làm việc Dân chủ, Khoa học Kỹ lưỡng, Cụ thể ,Tới nơi tới chốn)

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi lẽ đó, ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với quyết tâm làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Điểm mới trong Chị thị này là Đảng nhấn mạnh vai trò của “người đứng đầu” nhằm “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp.

Để học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì cán bộ, đảng viên mà trên hết, trước tiên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải nhận thức đầy đủ về phong cách của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,…

Không chỉ dừng lại ở nhận thức mà quan trọng hơn là mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải không ngừng rèn luyện tác phong làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao. Trước hết là rèn luyện tác phong làm việc dân chủ.

Như chúng ta đã biết cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, những công việc của cách mạng là do dân làm. Vì vậy, người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở luôn xác định “lấy dân làm gốc”. Mặt khác, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mà các lĩnh vực này lại biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ làm cho môi trường lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đang mở rộng và gia tăng tính phức tạp, có nhiều vấn đề nảy sinh mà bản thân người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở không lường trước được hoặc chưa gặp trong thực tiễn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao người cán bộ, lãnh đạo quản lý ở cơ sở cần xây dựng tác phong làm việc dân chủ, phải nghiêm túc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Bác.

Khi rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cán bộ, lãnh đạo quản lý cần lưu ý: phải khơi dậy sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng trong việc ban hành và tổ chức các quyết định lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, phải chống “buông lỏng” quản lý; chống a dua theo quần chúng, quá dựa vào quần chúng, thiếu trách nhiệm trong quản lý; chống dân chủ hình thức hay tổ chức hội nghị theo kiểu “độc diễn” để triệt tiêu dân chủ…

Hai là, xây dựng tác phong làm việc khoa học

Người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở không chỉ cần có đạo đức, nhiệt tình cách mạng mà phải có trình độ chuyên môn, trí tuệ. Vì vậy, trong giải quyết công việc phải xây dựng tác phong làm việc khoa học, nghĩa là giải quyết công việc một cách khách quan, chính xác, có hệ thống, tôn trọng các quy luật khách quan; đảm bảo nguyên tắc, quy trình và quy định của pháp luật.

Để rèn luyện tác phong làm việc khoa học đòi hỏi cán bộ quản lý cấp cơ sở phải không ngừng học tập về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị…để thực hiện nhiệm vụ được giao một cách khách quan, chính xác, có hệ thống. Mặt khác, phải có kinh nghiệm quản lý và khả năng dự báo, phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo trong vận dụng lý luận và thực tiễn, nhạy cảm với cái mới.

Ba là, rèn luyện tác phong làm việc hiệu quả, thiết thực

Cấp cơ sở là nới hiện thực hóa, đưa đường lối, chủ trường, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống nhằm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Do đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở là tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các chủ trương, đường lối; Đồng thời, thông qua thực tiễn để kiểm tra tính hợp lý của các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Vì vậy, tác phong làm việc hiệu quả, thiết thực là tiêu chí đánh giá tài và đức, sự phù hợp hay không phù hợp về phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Muốn rèn luyện tác phong làm việc này, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cần phải xoá bỏ bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh “hình thức”; đề ra các chỉ thị, nghị quyết xuất phát từ thực tiễn của cơ sở và nhu cầu của quần chúng; trong chỉ đạo phải có kế hoạch, có biện pháp tổ chức, hướng dẫn kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn. Trong và sau khi thực hiện phải kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm.

Bốn là, tác phong đi sâu đi sát quần chúng

Cấp cơ sở là cấp gần dân, sát dân nhất nên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cần phải đi sâu đi sát quần chúng, hiểu quần chúng, đặt minh vào vị trí quần chúng để giải quyết các nhiệm vụ.

Để rèn luyện tác phong làm việc này người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cần quán triệt sâu sắc chân lý “lấy dân làm gốc”; cán bộ đều “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” mà hoạt động; người lãnh đạo phải “là công bộc của dân, là đầy tơ thật trung thành với nhân dân” làm nền tảng tư tương trong mọi hoạt động của mình.

Năm là, tác phong tôn trọng và lăng nghe ý kiến của nhân dân

Người cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở là người trực tiếp làm việc với nhân dân nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn tôn trọng nhân dân. Vì tôn trọng nhân dân là tôn trọng chính mình. Mặt khác, phải chú ý lăng nghe ý kiến của nhân dân trong tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tham gia, góp ý về phong cách lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Thực chất đây là là hình thức thực hiện dân chủ nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, người cán bộ lãnh đạo hiểu rõ về bản thân mình sẽ có biện pháp khắc phục những yếu kém, hạn chế nhằm nâng cao uy tín của bản thân.

Muốn rèn luyện tác phong này phải khắc phục bệnh quan liêu, hách dịch, coi thường dân chúng, cho mình đứng trên dân chúng.

Sáu là, tác phong khiêm tốn học hỏi và thực sự cầu thị

Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải có thái độ khiêm tốn, không ngừng học hỏi. Một mặt để nâng cao năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác. Mặt khác, thái độ thực sự cầu thị vừa thể hiện sự chân thực, khiêm tốn lại vừa thể hiện mong muốn hoàn thiện, tiến bộ của bản thân. Có như vậy người cán bộ lãnh đạo quản lý mới dễ gần dân, được dân tin tưởng và tôn trọng.

Để rèn luyện tác phong này cần khắc phục tư tưởng giấu dốt, không dám thừa nhận hạn chế, thiếu sót của mình trước đồng chí, trước nhân dân vì sợ giảm uy tín của cá nhân; xóa bỏ thái độ tự kiêu, tự đại, luôn nghĩ mình là giỏi nhất.

Bảy là, tác phong làm việc năng động và sáng tạo

Hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng,.. cùng với những diến biến phức tạp do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý không được thụ động, trông trờ hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên mà phải năng động, sáng tạo tìm ra cách làm, hướng đi trong phát triển kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện của địa phương; chủ động nắm bắt thông tin về khoa học kỹ thuật, về thị trường, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác; Chủ động liên kết với các nhà khoa học, với doanh nghiệp để tìm hiểu về các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở năng động sáng tạo phải là người nhạy bén trong phát hiện cái mới, ủng hộ những cái tích cực, nhân nó lên thành diện rộng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tám là, tác phong làm việc gương mẫu và tiên phong

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu trong mọi việc. Thực hiện tư tưởng của Bác trong điều kiện hiện nay cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cần gương mẫu và tiên phong trong rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong làm việc khoa học; tự phê bình và phê bình nghiêm túc; quan hệ tốt với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật cao; đoàn kết nội bộ tốt…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến tất cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Chính phẩm chất cao đẹp đó, Người đã xây dựng cho mình phong cách làm việc mà Đảng ta đã trân trọng gọi là phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo Bác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, trong đó tác phong làm việc là một nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất và năng lực cán bộ.

 

Đào Ngọc Sáu (sưu tầm) 
 
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang 
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây