Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân

669


1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự gắn bó mật thiết với nhân dân bắt nguồn từ quan niệm của Người coi nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Người viết: “…Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.

Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân có nguồn gốc từ truyền thống dân tộc, từ những tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam, từ những quan niệm: “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Phát huy truyền thống dân tộc, năm 1955, Người viết: “…với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng – Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

Tư tưởng gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Người chỉ ra nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước, chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do chưa tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, là các cuộc cách mạng “không đến nơi”, bởi kết quả cuối cùng là chính quyền rơi vào tay một thiểu số người và bảo vệ lợi ích cho một nhóm ít người đó. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng Nga, rút ra nhiều bài học về huy động, tập hợp lực lượng từ nhân dân, gắn bó với dân và luôn luôn bảo vệ lợi ích của đa số quần chúng nhân dân.

Với cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh khẳng định phải bắt đầu từ giác ngộ, tổ chức tập hợp quần chúng. Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là những nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Khi nói về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Khi nói về công việc “Kháng chiến kiến quốc”, Người hỏi: “Ai thực hiện kháng chiến kiến quốc”? và trả lời: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”. 

Để thật sự gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải:

+ “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”;

+ Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính”.

+ Với mỗi đảng viên “bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”;

+ “…Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”;

+ “Cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai… Người dạy: Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân “chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.

2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời gắn bó với nhân dân

– Sinh ra trong một gia đình nho nghèo, cùng sống với các tầng lớp nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với nhân dân. Khi còn đang là học sinh trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống sưu cao, thuế nặng.

Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống, hoạt động yêu nước và cách mạng. Làm giáo viên trường Dục Thanh (Bình Thuận), Người gắn bó với thanh niên học sinh, truyền cho họ lòng yêu nước và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc. Tiếp đó, Người vào Sài Gòn tìm đường ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào để về giúp nước”.

– Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu sống ở nước ngoài, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, Người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên vẹn khi dọn các bàn ăn, dành để cho những người vô gia cư ở Luân Đôn sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa.

– Sự gắn bó với nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong sự nghiệp cách mạng rất phong phú và nhiều gian nan của Người. Hai lần bị địch bắt, bị giam trong tù, Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù, của người nhà họ, của người dân những nơi Người bị áp giải đi qua. Tập thơ Nhật ký trong tù đã thể hiện rất sâu sắc điều đó. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền và bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, Người sống cùng dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, chở che, nhân dân luôn ở bên Người, là nguồn lực, niềm tin vào lý tưởng cách mạng.

– Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn quan tâm sâu sắc cuộc sống hằng ngày của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 Huy hiệu Hồ Chí Minh cho những người tốt, việc tốt. Trong 10 năm (1959 – 1969), với độ tuổi 70, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân.

– Sự quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong bản Di chúc, lời căn dặn và tâm nguyện cuối cùng của Người. Trong những lời căn dặn, Người yêu cầu Đảng, Nhà nước quan tâm thường xuyên đến mọi tầng lớp nhân dân, không quên một ai, kể cả những người “lầm đường, lạc lối” hay những người là “hậu quả của chế độ cũ để lại”. Người dặn Đảng, Nhà nước phải dựa vào dân để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới, bởi đây là “cuộc chiến khổng lồ”, chỉ có thể thực hiện được khi dựa vào dân.

Tấm gương suốt đời gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn của một anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, một nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.

3. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân

Trách nhiệm gắn bó với nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân là phát huy bài học kinh nghiệm từ truyền thống lịch sử của ông cha và từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, lấy dân làm gốc. Trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, nếu không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì các chủ trương, chính sách sẽ không được nhân dân ủng hộ và thực hiện. Ngược lại, khi hết lòng vì nhân dân, thì luôn được dân đồng tình, ủng hộ.

– Gắn bó với nhân dân là yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn hiện nay đang yêu cầu rất cao về phát huy dân chủ, phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng. Đó cũng là một trong những yêu cầu, là cơ sở của quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay. Gắn bó với dân để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong dân, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước. 

– Gắn bó với nhân dân là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay không thể thành công nếu không dựa vào dân.

– Nội dung gắn bó với nhân dân bao gồm nhiều mặt, từ xây dựng chủ trương, đường lối, hoạch định chính sách đến tổ chức thực hiện. Có thể nêu một số điểm chính là:

+ Luôn luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân để xây dựng và không ngừng hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

+ Gần dân, luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu, quan tâm đến việc bảo đảm an sinh, điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân.

+ Đảng và Nhà nước có các biện pháp để thực hành dân chủ thực sự trong dân, để nhân dân được tham gia, được nói, được bàn và quyết định những vấn đề thiết thân với mình.

+ Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội, văn hóa, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, ngăn chặn lợi ích nhóm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham ô, lãng phí, mất dân chủ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

+ Tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, chú trọng công tác điều tra dư luận xã hội, phục vụ cho công tác xây dựng Đảng.

 

  * Mỗi cán bộ đảng viên, CC, VC phải luôn nêu cao tinh thần tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hàng ngày:

– Đối với quần chúng; nhân dân nơi cư trú phải thân thiện hoà nhã, gần gũi chia sẻ, luôn lắng nghe ý kiến và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

– Luôn xác định rõ việc đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

 

         – Trong công tác thực hiện nhiệm vụ được giao khi đi cơ sở phải dựa vào cơ sở, địa phương để thực hiên nhiệm vụ.  

                                                        

 

                                                   Song Tuấn (sưu tầm tháng 8/2015)  Baothaibinh.com.vn
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây