9 sai lầm khi thay đổi nghề nghiệp

985

Thay đổi nghề nghiệp không bao giờ là dễ dàng. Bởi khi quyết định thay đổi công việc đồng nghĩa với việc bạn phải thay đổi môi trường, thay đổi tính cách, đòi hỏi rất nhiều về khả năng tiếp thu để chuyển đổi kỹ năng và thích ứng lĩnh vực mới. Vậy làm thế nào để chuẩn bị và loại bớt những nguy cơ thất bại. Dưới đây là một số những sai lầm thường gặp, các bạn hãy cùng đọc và tự rút kinh nghiệm cho bản thân nhé.

 

1. Đừng tìm kiếm công việc trong lĩnh vực mà bạn không có khả năng

Không có gì tệ hơn là nhảy việc khi bạn không có những kỹ năng và chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đó. Hãy chắc chắn rằng bạn không thay đổi nghề nghiệp chỉ vì bạn đang chán nản với công việc cũ hoặc bất hòa với đồng nghiệp. Muốn tránh khỏi những sai lầm, trước hết bạn phải xem xét liệu những điều bạn đang có phù hợp với nghề nghiệp mới hay không.

2. Đừng tìm kiếm các lĩnh vực “nóng”, trừ khi đó là sự lựa chọn phù hợp

Một công việc đang “hot” và được nhiều người tìm kiếm nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Đừng nên chạy theo thị hiếu cũng như mong muốn của người khác nếu chưa xem xét các lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Với một công việc không phù hợp với tính cách và năng lực thì bạn sẽ không thể phát huy tốt khả năng của mình.

3. Không chọn một lĩnh vực bởi vì bạn của bạn đang làm tốt

Đừng nên “đứng núi này, trông núi nọ”. Bạn của bạn đang thành công trong lĩnh vực đó không có nghĩa là bạn cũng sẽ thu được những kết quả tương tự. Hãy nhớ rằng điều gì bạn lựa chọn cho sự nghiệp của mình thì nó sẽ theo bạn có khi đến suốt cuộc đời. Mỗi người có khả năng, tính cách khác nhau và phù hợp với những công việc khác nhau. Vì vậy, bạn nên nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định.

4. Không có sự xem xét kỹ lưỡng

Bạn không nên lao ngay vào nghề mới khi chưa từng xem xét mọi khả năng có thể xảy ra. Không gì tồi tệ hơn việc bạn quyết định ra đi mà không có sự xem xét kỹ lưỡng. Và cũng không có gì tồi tệ hơn việc bạn tìm kiếm một công việc không những nằm ngoài chuyên môn mà còn không đúng với sở thích của mình. Bạn tìm hiểu càng nhiều về các nghề nghiệp khác nhau thì khi đã lựa chọn kết quả sẽ khiến bạn hài lòng càng nhiều. Từ đó, lập ra một kế hoạch chi tiết, trong đó gồm có chiến lược thực hiện, phương án dự phòng, khả năng tài chính, tìm hiểu thông tin,…) là một trong những bước quan trọng để thay đổi sự nghiệp thành công.

5. Đừng coi tiền là yếu tố quyết định

Đừng để đồng tiền chi phối quá nhiều đến những quyết định của bạn trong công việc. Dù bạn có kiếm được nhiều tiền nhưng bạn không thấy vui vẻ, không thấy yêu công việc hiện tại thì bạn cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Chính vì vậy đừng thay đổi công việc chỉ vì cái lợi trước mắt. Hãy suy nghĩ xem công việc đó có thực sự dành cho bạn hay không.

6. Không đi học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ

Bạn không bao giờ là quá già để tham gia các khóa học bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nghề nghiệp mới. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì bạn đã có kinh nghiệm ở lĩnh vực cũ mà không tự nâng cao khả năng bản thân. Điều đó cho thấy bạn chưa sẵn sàng cho công việc mới.

7. Hãy cẩn thận khi sử dụng các trang tìm kiếm công việc

Hiện tại có rất nhiều trang trực tuyến giúp bạn tìm kiếm được công việc phù hợp. Hãy cẩn thận trong việc lựa chọn một nguồn thông tin thích hợp giúp bạn có tầm nhìn rộng lớn hơn, có điều kiện so sánh và nhiều sự lựa chọn hơn.

8. Không tham khảo ý kiến người khác

Mỗi người có những mối quan hệ, hiểu biết về một ngành nghề nhất định. Vì vậy, nếu không tham khảo ý kiến của người khác, bạn sẽ mất đi một nguồn tham khảo vô cùng to lớn. Hãy nói chuyện với những người làm trong một loạt ngành nghề khác nhau, đọc thông tin về nhiều công việc và tìm cách gặp gỡ với người tư vấn nghề nghiệp trước khi quyết định thay đổi. Ngoài ra, đây là thời gian để nói chuyện với bạn bè, gia đình vì họ chính là những người hiểu về bạn và có thể cho bạn những lời tư vấn chính xác.

9. Đừng nên thay đổi ngay lập tức

Một sự thay đổi triệt để công việc thường sẽ kéo dài tối thiểu là sáu tháng, đôi khi có thể kéo dài đến một năm hoặc hơn thế nữa. Thay đổi lĩnh vực là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với sự nghiệp của bạn. Vì vậy, đừng mong đợi có thể ngay lập tức thay đổi nghề nghiệp mà không có sự chuẩn bị kỹ càng.

 

(Theo careerlink.vn)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây