10 cách giúp bạn thành công trong sự nghiệp

697

Bạn cảm thấy sự nghiệp của mình chưa được trọn vẹn? Có lẽ bạn đã đi một con đường không thực sự phù hợp với mình trong suốt những năm qua. Hãy dừng lại và suy nghĩ xem điều gì thực sự quan trọng với bạn.

  1. Chấp nhận rủi ro

Nhà văn J.K. Rowling – tác giả bộ truyện nổi tiếng Harry Potter đã chia sẻ trong một buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard mùa hè năm 2008: “Không thể sống mà tránh khỏi thất bại trừ khi bạn thận trọng đến mức không dám sống – trong trường hợp đó, mặc nhiên bạn đã thất bại rồi”. Chấp nhận rủi ro là chìa khóa để thành công. Hãy tự hỏi, bạn muốn tồn tại hay phát triển? 

  1. Hãy kiên nhẫn

Ngày nay, nhiều người mong đợi phần thưởng ngay lập tức. Họ mong muốn trở thành người có ảnh hưởng trên YouTube hoặc Instagram và trở thành người thành công chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, thực tế là thành công chỉ đến sau một thời gian dài nỗ lực. Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon chứng thực rằng “tất cả những gì được gọi là thành công chỉ sau một đêm thường mất khoảng mười năm”.

  1. Cạnh tranh với chính mình

Bí quyết thành công trong sự nghiệp không phải là so sánh bản thân với người khác mà là cạnh tranh với chính mình. Đó là việc phấn đấu không ngừng để phát triển. Hãy tự hỏi: Bạn có đang tiến xa hơn trong sự nghiệp so với ngày hôm qua không? Bạn có cảm thấy mãn nguyện hơn không? Nếu bạn có thể trả lời “có” cho những câu hỏi này, hãy tiếp tục con đường hiện tại của bạn.

  1. Lắng nghe trực giác của bạn

Theo Albert Einstein – nhà vật lý người Đức: “Trực giác là một món quà thiêng liêng, và lý trí là một người đầy tớ trung thành”. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh người đầy tớ mà quên đi món quà thực sự. Tôi đã nói chuyện với nhiều doanh nhân, những người đã xây dựng các doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô la. Không có ngoại lệ, một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của họ là lắng nghe tiếng nói nội tâm. Một khi bạn thư giãn và tiếp cận sâu hơn vào bên trong tâm trí của mình, câu trả lời đã có sẵn ở đó chờ bạn.

  1. Thực hiện các bước nhỏ thay vì trông mong những bước nhảy vọt

Ước mơ lớn nhưng hãy bắt đầu từ những bước nhỏ. Ví dụ, mục tiêu của bạn là viết một cuốn sách. Tuy nhiên, bạn chưa viết được một chữ nào trong suốt những năm qua. Thật không dễ dàng để bạn đi từ số 0 đến vị trí của một tác giả bậc thầy như Stephen King – nhà văn người Mỹ. Để thành công trong sự nghiệp, hãy vạch ra các bước tiến nhỏ, từ đó sẽ đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu lớn.

  1. Thiết lập các mục tiêu có thể đạt được

Thiết lập các mục tiêu thực tế sẽ giúp bạn đạt được cả những giấc mơ đầy tham vọng nhất. Ví dụ, bạn khao khát trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bạn đã không chạm tay vào bất kỳ cây vợt nào trong suốt mười năm qua, và hiện tại bạn đã ở độ tuổi mà những người chơi quần vợt chuyên nghiệp đã nghỉ hưu. Rất khó để bạn có thể biến giấc mơ này thành hiện thực. Thay vào đó, hãy sử dụng các tiêu chí cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, thực tế và kịp thời để đảm bảo rằng mục tiêu của bạn rõ ràng và có thể đạt được.

  1. Ưu tiên sự nghiệp dựa trên thế mạnh và giá trị của bạn

Ưu tiên số một của bạn là dành thời gian cho gia đình? Trong trường hợp đó, bạn có thể không phù hợp với một công việc đòi hỏi phải đi lại 80% thời gian. Bạn ghét đối đầu với người khác? Vậy thì, một vị trí trong ngành luật có thể không phù hợp với bạn. Hãy lập danh sách các giá trị mà bạn theo đuổi và ưu tiên chúng khi bạn xem xét lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.

  1. Yêu cầu giúp đỡ

Bạn gần như không thể đạt được thành công trong sự nghiệp mà không cần sự giúp đỡ. Hãy hỏi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp để xem họ nghĩ gì về bạn. Họ nghĩ điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Mọi người thường khen bạn về điều gì? Bài tập này sẽ giúp bạn khám phá ra những thế mạnh của bản thân mà ngay cả bạn cũng không biết. 

  1. Loại bỏ suy nghĩ không tích cực

Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe trên đường với nỗi sợ hãi trong đầu. Nỗi sợ đó như đang gào thét trong đầu bạn: “Bạn đang lái xe quá nhanh!”, “Bạn đang đi đâu thế? Lạc đường rồi”!, hay “Đừng đi đường đó, bạn sẽ gặp tai nạn mất thôi!”. Sợ hãi chính là nhà phê bình nội tâm của bạn. Nó thường xuất hiện, phá bĩnh khi bạn chuẩn bị bắt tay vào thực hiện, ví dụ như một sự thay đổi trong nghề nghiệp. Điều bạn cần làm là dừng lại, kiểm soát nỗi sợ bằng cách tự nói với bản thân: “Tôi biết mình đang làm gì!”. Nỗi sợ hãi không bao giờ biến mất nhưng bạn có thể kiểm soát nó.

  1. Chọn nghề đừng chỉ nghĩ tới tiền

Tất nhiên, tiền rất quan trọng. Nhưng nó không nên là lý do duy nhất để chọn nghề. Nếu bạn dành cả sự nghiệp để theo đuổi tiền bạc thì sẽ rất khó để tìm thấy sự hài lòng thực sự. Bởi vậy, bên cạnh đó, hãy xem xét thêm các yếu tố khác như điểm mạnh của bạn, những gì bạn thích, những gì bạn giỏi và những gì bạn muốn cống hiến.

Khi bạn nghĩ về thành công trong sự nghiệp, hãy nhớ rằng, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Vì vậy, hãy sống một cuộc đời bạn hằng mong muốn.

 

Minh Hương (Theo www.forbes.com)

    Sưu tầm: Phòng tư vấn nghề nghiệp

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây