VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG

1044

    Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thiên tài của Đảng, Người không ngừng chăm lo xây dựng Đảng ta thành một Đảng mác xít thật sự trong sạch, vững mạnh; Người đã khái quát lên một hệ thống quan điểm có tính quy luật về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan điểm này trở thành một bộ phận quan trọng trong di sản tư tưởng của Người. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về chính Đảng vô sản kiểu mới vào hoàn cảnh và đặc điểm cụ thể nước ta. Bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác đinh xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân ta vượt mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

     
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, những quan điểm của Người về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Bản Di chúc gửi Đảng và nhân dân ta người căn dặn Đảng phải “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ con ngươi của mắt mình” (1).

     Trong quá trình lãnh đạo và hoạt động của mình Đảng ta luôn chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng làm hạt nhân để xây dựng khối đoàn kết thống nhất dân tộc, đó là cội nguồn sức mạnh, giúp cho Đảng ta vượt mọi khó khăn, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

     Trong những năm vừa qua, trên lĩnh vực xây dựng Đảng, bên cạnh những ưu điểm, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém. Trong đó, có hiện tượng sa sút về đạo đức, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đặc biệt là tình trạng mất đoàn kết xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có nơi tổ chức Đảng còn bị tê liệt.

     Nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, chúng ta bắt gặp nhiều quan điểm, quan niệm, những chỉ dẫn không những có tính lý luận sâu sắc mà còn có tính thực tiễn, tính thời sự nóng hổi cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

     1. Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng

     1.1. Hồ Chí Minh đánh giá cao về vai trò, ý nghĩa của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh, đoàn kết là một thuộc tính cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam

     C.Mác và Ph.Ăngghen đã giành nhiều trí tuệ và sức lực của mình để xây dựng chính Đảng độc lập, cách mạng của giai cấp công nhân. Hai ông rất coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng. Tổng kết cách mạng Pháp năm 1848, hai ông đã chỉ ra rằng: “Lúc này (năm 1850) là lúc cách mạng sắp nổ ra, do đó Đảng phải hành động có tổ chức nhất, thống nhất và độc lập nhất, nếu như nó không muốn bị giai cấp tư sản lợi dụng và kéo theo đuôi nó như năm 1848”(2). Tháng 10 năm 1864, trong Điều lệ tạm thời của Hội Liên hiệp công nhân quốc tế, hai ông khẳng định: “sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được đảm bảo bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức”(3).

     V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người đấu tranh không mệt mỏi vì sự thống nhất trong đội ngũ Đảng, tự mình khởi thảo nhiều nghị quyết và những lời kêu gọi về vấn đề này. Lênin cho rằng: “Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và đó là nguồn sức mạnh vô địch và vô tận của Đảng”(4). Người coi mục tiêu của việc xây dựng và củng cố Đảng là nhằm xây dựng và củng cố sự thống nhất đội ngũ Đảng.

     Như vậy, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, Đảng Cộng sản phải đoàn kết thành một khối vững chắc, toàn Đảng phải thống nhất ý chí và hành động, mọi đảng viên phải bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. – Đây là một nguyên tắc quan trọng của Đảng Cộng sản theo lập trường của Chủ nghĩa Mác – Lênin.

     Nhận thức sâu sắc về lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quá trình cùng với Đảng ta lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công… Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả các cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau cũng đều phải đoàn kết, nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”(5).

     Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, bởi vì sự đoàn kết này là hạt nhân để giữ gìn và phát huy truyền thống và sức mạnh của đoàn kết toàn dân. Người viết: “Đoàn kết là một truyển thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(6). Trước lúc đi xa, Người đã di chúc lại điều này, vấn đề được Hồ Chí Mình đặt ra từ rất sớm, từ khi thành lập Đảng và dày công xây dựng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

     1.2. Hồ Chí Minh khẳng định rằng đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta, truyền thống đó là cái có giá trị xuyên suốt, lâu bền, kế tiếp nhau, chứ không phải là hiện tượng cá biệt, nhất thời

     Trước hết, truyền thống đoàn kết trong Đảng bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân ta đã chung lưng, đấu cật, kề vai bên nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ bời cõi, xây dựng đất nước trước sự thử thách của thiên tai khắc nghiệt. Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất dân tộc của cộng đồng người Việt đã không ngừng được thử thách và lớn lên, để hình thành một tính cách đậm nét từ thời này sang thời khác: “Thương người như thể thương thân”, “Một cây làm chẳng nên non…”, là những ca dao dân gian tổng kết những truyền thống đó. Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng mạnh mẽ vô cùng to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và quân cướp nước”.

      Thứ hai, đoàn kết được hình thành qua quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

     Biểu hiện rõ nét của việc Hồ Chí Minh chăm lo đến đoàn kết thống nhất trong Đảng là sự kiện thống nhất các tổ chức cộng sản trong Hội nghị hợp nhất năm 1930. Nguy cơ phân liệt, chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản năm 1930 là có thật. Hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của việc đoàn kết thống nhất, bằng tài năng và uy tín của mình, cộng với sự chỉ đạo và giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã hành động một cách mau lẹ, cẩn trọng, kiên quyết để triệu tập Hội nghị thành lập Đảng tháng 2 năm 1930. Trong Hội nghị này, tư tưởng Hồ Chí Minh là đồng tâm, nhất trí: “Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương” (7).

     Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã trải qua nhiều thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, thử thách nhưng đều thực hiện theo đúng ý tưởng của Người: Đảng ta tuy đông người, nhưng khi tiến đánh thì như một người. Hồ Chí Minh luôn trăn trở về đoàn kết, nên chỉ có mấy dòng nói về Đảng trong di chúc, nhưng đã có đến 5 lần Người nhắc đến đoàn kết. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (8).

     Như vậy, có thể nói đoàn kết thống nhất là quy luật trưởng thành của Đảng, Đảng không thể phát triển vững vàng được nếu trong Đảng xảy ra tình trạng chia rẽ, bè phái.

     2. Cơ sở để xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

     2.1.Để xây dựng đoàn kết, thống nhất, theo Hồ Chí Minh trước hết phải dựa trên nền tảng chắc chắn là mục tiêu, lý tưởng của Đảng

     Đây là điểm tương đồng, quy tụ tất cả mọi đảng viên thường đến đảng viên giữ trọng trách, quy tụ tất cả mọi tổ chức, từ trung ương xuống tận các chi bộ, vào sự nghiệp chung của Đảng. Khi nào xa rời mục tiêu này thì nội bộ Đảng tất yếu sẽ rệu rã, chia rẽ, bất đồng. Sự thống nhất về mục đích, lý tưởng của Đảng giúp cho đảng viên gạt bỏ những thành kiến cá nhân để gây dựng sức mạnh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh: “Đảng ta thật vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (9). Người cho rằng: “Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân” (10).

     2.2. Hồ Chí Minh khẳng định muốn xây dựng đoàn kết, thống nhất, trong Đảng phải có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”

     Người viết: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin”(11). Đây là một quan điểm hết sức quan trọng về đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết phải dựa trên lý, tức là mục tiêu, lý tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau làm cho sự đoàn kết đó lại càng chắc chắn, bền vững.

     Bản thân Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt với về kết hợp hài hòa giữa lý và tình trong việc xây dựng, củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người là trung tâm của sự đoàn kết, sự quy tụ về tổ chức và cá nhân đảng viên vì mục tiêu chung, và vì tình nghĩa chung như ở trong một gia đình. Sự uyển chuyển đó của Người đã tạo ra “phép mầu nhiệm” để đoàn kết toàn Đảng, trước hết là trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

     Cách xưng hô của Hồ Chí Minh đối với các đồng chí xung quanh mình dường như đượm vẻ gia đình (bác, chú, cô) nhưng lại có tác dụng lớn. Đối với Người những cử chỉ và phong cách riêng của bản thân không gượng ép, được hình thành và phát triển một cách tự nhiên, tạo một không khí chân thành cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng Cộng sản. Nếu không xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mọi cuộc phê bình và tự phê bình không thể đưa lại kết quả tốt đẹp, mà ngược lại nó tạo nên một không khí đấu đá, tranh giành lợi ích trong Đảng, và từ đó dẫn đến việc suy yếu sức mạnh của Đảng.

     2.3. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết được Người gắn với vấn đề dân chủ trong Đảng

     Dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết. Trên cơ sở dân chủ nội bộ trong Đảng thì đảng viên mới thực sự trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau. Do đó, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” mới được phát huy trong công tác xây dựng Đảng. Đương nhiên, dân chủ ở đây cần được hiểu là dân chủ đúng đắn chứ không phải là thứ dân chủ quá trớn phá hoại thống nhất trong Đảng, biến sinh hoạt Đảng thành sinh hoạt câu lạc bộ. Hồ Chí Minh viết “Nội bộ Đảng phải đoàn kết, nhất trí, đoàn kết không phải ngoài miệng mà đoàn kết trong công tác, trong phê bình và tự phê bình giúp nhau cùng tiến bộ” (12); “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng” (13).

     3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay

     Sự nghiệp đổi mới của nước ta trong những năm vừa qua đã thu được những kết quả rất quan trọng. Đất nước đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại rộng mở, nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế… Những thành tựu trên đây đều gắn với quá trính lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng ta, trong đó có việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân là nhân tố quan trọng, quyết định những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, hạn chế: “Một số cán bộ và cấp ủy chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa, địa vị, cá nhân chủ nghĩa rất nặng. Không ít nơi nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng” (14). Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi pham. Kỷ cương, kỷ luật nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy còn yếu” (15).

     Qua thực tế ở một số tổ chức cơ sở Đảng hiện nay cho thấy rằng, ở đâu mất đoàn kết thống nhất thì ở đó phân tán, mất đi mọi tiềm năng và thế mạnh; đội ngũ cán bộ cốt cán li tán, người tích cực mất chỗ dựa, người tiêu cực dễ thách đố, lộng hành. Ở đâu mất đoàn kết thì ở đó gần như toàn bộ thời gian và trí tuệ của những người quản lý, lãnh đạo bị huy động tối đa cho việc đối phó lẫn nhau.

     Vậy còn đâu mà lo tiền đồ, lo đổi mới? Mất đoàn kết còn đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường, tức là mất môi trường thuận lợi để phát triển tài năng của mọi thành viên, đồng thời mất luôn bạn bè, anh em, đồng chí. Trong điều kiện kinh tế thị trường hôm nay, sẽ không ai muốn làm quen, chưa nói là làm ăn với một tập thể mất đoàn kết nội bộ; kẻ thù, kẻ xấu có thể nhân cơ hội này mà “đục nước, béo cò” phá ruỗng cơ sở Đảng.

     Mất đoàn kết thống nhất là mất cán bộ, mất của cải, mất danh dự và niềm tin. Mất đoàn kết là mất ổn định và phát triển. Vì thể đoàn kết thống nhất trong Đảng vừa là điều kiện vừa là mục tiêu để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

     Vấn đề cốt lõi là làm thể nào để giữ được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng?

     Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đề xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng cần thực hiện tốt những nội dung sau:

     Thứ nhất, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng.

     Đây là vấn đề quan trọng đẩu tiên vì chúng ta biết rằng Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Trên cơ sở đó, dựa trên điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng vạch ra đường lối chiến lược và sách lược. Đường lối đó phản ánh mục tiêu đấu tranh, phương hướng hành động, chủ trương thực hiện, những bước đi quan trọng của một giai đoạn cách mạng. Như vậy, đường lối của Đảng là hướng chiến lược của một giai đoạn lịch sử, là kim chỉ nam cho hoạt động, là ngọn cờ để tập hợp lực lượng, sự thống nhất về tư tưởng là tiền đề về sự thống nhất về tổ chức.

     Đảng đòi hỏi mọi đảng viên phải nắm vững đường lối của Đảng. Đó là cơ sở tạo sự thống nhất trong hành động.

     Thứ hai, đoàn kết thống nhất trong Đảng phải dựa trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ.

     Dân chủ là điều kiện quan trọng để có đường lối đúng, nghị quyết đúng. Đó là phương pháp căn bản để khắc phục những bất đồng về tư tưởng. Nhưng dân chủ rộng rãi không tách rời với tập trung nghiêm ngặt. Tập trung đảm bảo cho sự thống nhất về ý chí và hành động, bảo đảm cho kỷ luật Đảng được chấp hành triệt để.

     Cần đặc biệt coi trọng việc mở rộng dân chủ trong Đảng. Xây dựng một bầu không khí cởi mở, tin cậy; khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo để xây dựng Đảng, xây dựng quê hương, đất nước. Về mặt này, tổ chức Đảng phải biết lắng nghe, cầu thị với những ý kiến dám nói thẳng, nói thật, nhất là những người có tài năng và trí tuệ. Trong thực tiễn, những người này có bản lĩnh và không “tròn trĩnh” lắm, vì họ tự đứng vững nên chẳng cần sự nâng đỡ của ai. Ví như: “gỗ lim thì chìm, quýt ngọt thì lấy lá”. Trái lại những kẻ bất tài thường tìm mọi cách san lấp sự thiếu hụt bằng cách “luồn cúi, thích nghi”, “gió chiều nào theo chiều ấy”. Thực tế chỉ tạo nên sự cơ hội, người trên thì bị bưng bít, kẻ dưới thì bị bỏ rơi, gây nên bè cánh, mất đoàn kết; làm cho Đảng dù đông song không mạnh. Phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử loại này, cùng những đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa.

     Đảng phải quan tâm xây dựng đường lối, chính sách đúng, có cơ chế tổ chức hợp lý, quy chế làm việc rõ ràng, phong cách dân chủ, tránh quan liêu, độc đoán, gia trưởng.

     Cũng không nên đồng nhất việc trong Đảng có những ý kiến khác nhau khi thảo luận, tranh luận với tình trạng mất đoàn kết. Trước sự phát triển của cách mạng còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần làm sáng tỏ. Trong Đảng cần có thảo luận, tranh luận để tìm chân lý, nhất trí. Nếu có những vấn đề chưa nhất trí cũng không nên vội vàng quy chụp. Hãy theo tấm gương Hồ Chí Minh: lắng nghe, chờ đợi và tôn trọng ý kiến của nhau; cần có thái độ khách quan và thiện chí. Bên cạnh đó Đảng cần có một kế hoạch đào tạo và đào tạo lại thật sâu, thật chắc, thật thiết thực những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là phương pháp duy vật biện chứng để vận dụng sáng tạo trong thực tiễn.

     Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình đồng chí cho cán bộ, đảng viên là một biện pháp cần thiết để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

     Thái độ chân thành, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, tính khiêm tốn, biết thông cảm, hết lòng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ là những nét tiêu biểu của tình đoàn kết cộng sản. Kinh nghiệm cho thấy, việc thông cảm với nhau khi gặp khó khăn, chân thành trong cuộc sống hàng ngày, biết tôn trọng cá nhân, biết lắng nghe ý kiến của đồng chí mình là một phong cách sống cần thiết để tạo bầu không khí đoàn kết trong tập thể. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế, thị trường, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cho độ ngũ cán bộ đảng viên, không để chủ nghĩa cá nhân làm phai nhạt tình đồng chí. Việc thiết thực nhất để rèn luyện đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay là các cấp ủy Đảng và đảng viên nghiêm túc thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

     Thứ tư, thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình là một phương pháp rất căn bản để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.

     Tự phê bình và phê bình là một phương pháp căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, tạo nên sự nhất trí cao trong Đảng. Phải xác định rõ mục đích của tự phê bình và phê bình là nhằm phát huy ưu điểm, tìm ra khuyết điểm để giúp nhau sửa chữa, nâng cao nhận thức, giải quyết những bất đồng nội bộ. Mặt khác, cần nghiêm khắc phê phán lợi dụng phê bình để đả kích lẫn nhau.

     Đối tượng trực tiếp của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải người. Đó là tư tưởng nhân đạo đạt đến đỉnh cao của Hồ Chí Minh, nó cho phép tập hợp con người trong một tổng thể thống nhất, mâu thuẫn, đa dạng và phức tạp, cùng hành động vì lợi ích chung, sự nghiệp chung: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tư tưởng “phê bình việc chứ không phê bình người” tránh cho con người bị rơi vào cái tôi vị kỷ, thấp hèn, thủ đoạn, trả đũa, ghen ghét giữa con người với nhau. Phê bình là việc gột rửa những “cáu bẩn” bám vào con người, không cho nó làm ô nhiễm con người. Hồ Chí Minh coi tự phê bình cũng giống như dùng khăn mặt và xà phòng gột rửa cái nhơ bẩn bám vào con người. Tự phê bình như là “uống thuốc xổ” xong rồi lại bồi bổ cho con người khỏe mạnh. Tầm cao trí tuệ của Hồ Chí Minh là nâng cao con người, phát huy tính tích cực của con người.

     Tự phê bình phải gắn với “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Nhưng càng yêu bao nhiêu lại càng phải “yêu cầu” bấy nhiêu. Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc nêu gương và sự đòi hỏi phải khắc phục khuyết điểm. Người yêu cầu cấp trên phải gương mẫu, đảng viên phải gương mẫu, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

     Những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng là sự vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mac xít về xây dựng Đảng chính trị phù hợp điều kiện cụ thể Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất vững chắc là quy luật trưởng thành của một Đảng Cộng sản chân chính. Qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng ta đều khẳng định đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta, là truyền thống quý báu của dân tộc, là lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nguồn gốc dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy truyền thống đó là trách nhiệm của toàn thể đảng viên và cơ quan lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay chúng ta cần tiếp tục vận dụng và phát triển những quan điểm, tư tưởng đó để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn cách mạng mới./.

ST: Nguyễn Ngân

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây