Học tập và làm theo Bác về “Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”

1144
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: đoàn kết làm nên sức mạnh, đoàn kết là điểm then chốt, là cội nguồn của thành công, là mục tiêu để phấn đấu, là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng; là phải đoàn kết được tất cả các tầng lớp nhân dân, tất cả những con rồng cháu tiên, già trẻ, gái trai, giàu nghèo…; phải kế thừa truyền thống nhân nghĩa, thật thà giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; phải dựa trên liên minh công – nông; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, thật sự chân thành. Đảng là thành viên của mặt trận thống nhất và trách nhiệm của Đảng là phải xây dựng khối đoàn kết trong mặt trận. Muốn làm được việc đó thì đảng phải là đổi mới, là văn minh, đảng phải thật sự đoàn kết nhất trí.

Khi nói tư tưởng Hồ Chí Minh về “đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” thì trước hết phải nói đến vai trò của Đảng chính trị trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác không có một khái niệm về đảng chính trị, lý do đơn giản là lúc đó xã hội chúng ta chưa có đảng chính trị – xã hội. Thời phong kiến không có đảng chính trị mà chỉ có phường, có hội, có nhóm, có khởi nghĩa nông dân… Về sau, khi tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin và trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh xác định đảng chính trị có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đảng không chỉ đại diện cho giai cấp công nhân mà đại diện cho nhân dân lao động, đại diện cho toàn dân tộc. Đó là những điểm rất cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đảng chính trị. Đảng muốn vững mạnh phải có chủ nghĩa làm nòng cốt; phải thực hiện thật tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, làm tốt việc này thì vai trò của đảng chính trị mới phát huy được; phải quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”; phải giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân; phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Suốt đời, Bác luôn phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng; quan tâm lãnh đạo, rèn luyện Đảng và chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Với tính cách là người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm xây dựng Đảng; với tư cách là một đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gương mẫu tự mình rèn luyện phẩm chất, tư cách của người đảng viên. Hai yếu tố đó đã được Người khai thác triệt để.

Khi nói tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, xây dựng Đảng, trước hết là phải nói đến sự quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt của Đảng; thứ đến là tấm gương mẫu mực về phẩm chất, tư cách của một đảng viên, trung thực, trách nhiệm, luôn luôn phấn đấu làm tròn mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó; là tấm gương sáng, mẫu mực của một người cộng sản suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; là  tấm gương tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; là tấm gương luôn luôn tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống, tác phong của một đảng viên; là tấm gương tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng,  trung với nước, hiếu với dân.

Đoàn kết, xây dựng Đảng có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam.

Đoàn kết, xây dựng Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy đảng các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên; là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng hiện nay.

Để làm tròn trách nhiệm của mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, các cấp uỷ đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, thực sự coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ở tất cả các cấp, các ngành. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Xây dựng và thực hiện cơ chế để phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Tiếp thu ý kiến của các tổ chức, đoàn thể để xây dựng, bổ sung, phát triển chủ trương, chính sách để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các quyết định, chủ trương được thông qua phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích và động lực; các chính sách được ban hành phải có mục tiêu vì dân; cán bộ, đảng viên, công chức phải là công bộc của dân, vì nhân dân phục vụ. Mọi hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải thực sự lấy dân làm gốc. Chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp theo quy định của Điều lệ Đảng.

 
 
 
ST: Hoàng Oanh
Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây