Công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam – Số 18, Quý 2 năm 2018

891

 

Chiều ngày 18/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức công bố “Bản tin thị trường lao động Việt Nam – Số 18, Quý 2 năm 2018”. Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; đại diện các Bộ, ngành liên quan; các tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.
 
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, tăng trưởng kinh tế quý 2/2018 thấp hơn quý 1/2018 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động có một số điểm sáng như:số người có việc làm tăng lên; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng; tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động làm công giảm nhẹ so với quý 1/2018, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tăng nhẹ.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, trong quý 2/2018, dân số từ 15 tuổi trở lên là 72,51 triệu người, tăng 0,93% so với quý 2/2017, nữ tăng 0,58%; khu vực thành thị tăng 3,91%. Quy mô LLLĐ từ 15 tuổi trở lên là 55,12 triệu người, tăng 1,1% so với quý 2/2017; nữ tăng 0,37%; khu vực thành thị tăng 1,25%. Quý 2/2018, tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,55%, tăng so với cùng kỳ năm trước, song đã giảm nhẹ so với quý 1/2018. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật LLLĐ từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý 2/2018 là 12,04 triệu, tăng gần 267 nghìn người so với quý 2/2017. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm cao đẳng (11,37%), tiếp đến nhóm đại học và trên đại học (2,2%) và nhóm sơ cấp nghề chỉ tăng rất nhẹ (0,02%); giảm ở nhóm trung cấp (-1,47%). Quý 2/2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 21,85%, chỉ tăng nhẹ (0,2 điểm phần trăm) so với cùng kỳ năm trước. Theo các cấp trình độ, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng LLLĐ là 9,58%; cao đẳng là 3,49%; trung cấp là 5,29%; và sơ cấp nghề là 3,49%.

 

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội báo cáo tại Hội thảo

Về việc làm, Quý 2/2018, số người có việc làm là 54,02 triệu, tăng 29,9 nghìn người (0,3%) so với quý 1/2018 và tăng 619,5 nghìn người (1,16%) so với quý 2/2017. So với cùng kỳ năm 2017, cơ cấu người có việc làm là nam tăng lên, chiếm 52,42%; khu vực thành thị cũng tăng nhẹ, chiếm 31,88% tổng số người đang làm việc. Có 23,66 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 43,80% trong tổng số lao động có việc làm, tăng nhẹ so với quý 1/2018 là 43,52% và quý 2/2017 là 42,77%. Xét theo ngành kinh tế, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) tiếp tục giảm. Quý 2/2018 tỷ lệ này là 38,21% so với 38,56% ở quý 1/2018 và 40,44% ở quý 2/2017.

Về biến động lao động đang làm việc so với quý 1/2018, trong quý 2/2018, số người làm việc trong ngành NLTS tiếp tục giảm nhiều nhất (giảm 179 nghìn người); tiếp đến là các ngành: “Công nghiệp chế biến chế tạo” (giảm 123 nghìn người); “Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ” (giảm 42 nghìn người) và ngành “Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” (giảm 40 nghìn người). Các ngành có số người làm việc tăng nhiều nhất: “Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (tăng 122 nghìn người) “Xây dựng” (tăng 116 nghìn người); “Giáo dục-Đào tạo” (tăng 63 nghìn người) và “Dịch vụ lưu trú, ăn uống” (tăng 21 nghìn người). Quý 2/2018, 95,31% số người đang làm việc tập trung ở 10 ngành trong tổng số 21 ngành cấp 1, trong đó, cao nhất là ngành NLTS (chiếm 38,21%); tiếp đến là “công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 17,78%); “bán buôn và bán lẻ;sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (chiếm 13,38%); “xây dựng” (chiếm 7,92%). So với cùng kỳ năm 2017, số người làm việc trong ngành NLTS và “Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc” giảm (tương ứng 4,41% và 1,6%).

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương giảm nhẹ so với quý 1/2018, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Quý 2/2018, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng, giảm 166 nghìn đồng (-2,9%) so với quý 1/2018 và tăng 223 nghìn đồng (4,13%) so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm so với quý 1/2018 (trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, 1,55% và 1,39%), trong đó giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng (-14,9%); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-6,26%), tuy nhiên vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước Lao động LCHL có trình độ đại học có thu nhập cao nhất (7,87 triệu đồng), tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng). Thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý 1/2018, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp (-6,36%) và nhóm có trình độ đại học trở lên (-5,7%). Quý 2/2018, có 16,5% lao động LCHL thuộc nhóm thu nhập thấp (3,33 triệu đồng/tháng) giảm so với quý 1/2018 (17,8%). Trong số lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, có 52,8% là lao động giản đơn.

Về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm: Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ so với quý 1/2018 và cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp ở nhóm thanh niên tăng nhẹ. Quý 2/2018, cả nước có 1.061,5 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5,6 nghìn người so với quý 1/2017 và 20,1 nghìn người so với quý 2/2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ còn 2,19%. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp. Quý 2/2018 có 511,2 nghìn thanh niên thất nghiệp, tăng nhẹ 0,4 nghìn người so với quý 1/2018, chiếm 48,16% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý 2/2018 ước là 7,1%, tăng nhẹ 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,57 điểm phần trăm so với quý 2/2017.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở vùng Đông Nam Bộ (2,84%, tăng mạnh so với quý trước là 0,45%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (2,62%); tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (1,07%) và Tây Nguyên (1,37%). Số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” giảm xuống còn 126,9 nghìn người, giảm 15,4 nghìn người so với quý 1/2018; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 2,47% (quý trước là 2,85%). Nhóm trình độ “cao đẳng” có 70,8 nghìn người thất nghiệp, giảm 18 nghìn người so với quý 1/2018; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm còn 3,82% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ “sơ cấp nghề” tăng nhẹ 3,5 nghìn người so với quý 1/2018 với số lượng là 23,6 nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 1,31% (quý trước là 1,12%).

Thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi giảm cả về số lượng và tỷ lệ so với quý 1/2018 Quý 2/2018, cả nước có 677 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, giảm 41,2 nghìn người so với quý 1/2018 và 79 nghìn người so với quý 2/2018. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,43%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,82%, khu vực thành thị là 0,65%. Trong tổng số người thiếu việc làm, có 85,02% lao động nông thôn; 71,99% làm việc trong ngành nông lâm thủy sản. Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 24,32 giờ, bằng 53,72% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (45,27 giờ/tuần)

Tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc từ cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ LĐ-TBXH trong quý 2/2018 như sau: Về nhu cầu tuyển dụng lao động: Có 171,0 nghìn chỗ làm việc được các DN đăng để tuyển dụng, tăng 24,9 nghìn người (14,7%) so với quý 1/2018. Nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 58,7% tổng số, tăng 1,4 điểm phần trăm so với quý 1/2018 (57,3%) Nhu cầu tuyển dụng của các công ty “ngoài nhà nước” chiếm 72,2%, giảm 8,1 điểm phần trăm so với quý 1/2018. Về nhu cầu tìm việc làm: Số người có nhu cầu tìm việc làm là 14,4 nghìn người, tăng gần gấp 3 lần so với quý 1/2018. Trong đó, lao động nữ có nhu cầu tìm việc là 6,8 nghìn người (chiếm 47,0%), tăng 4,6 nghìn người, gấp 3 lần so với quý 1/2018. Theo bằng cấp CMKT, số người có bằng trung cấp tìm việc làm nhiều nhất, 4,5 nghìn người (chiếm 31,3%) tăng 3,1 nghìn người so với quý 1/2018; tiếp theo là số người có trình độ cao đẳng (chiếm 19,5%) và đại học trở lên (chiếm 17,9%), tăng lần lượt là 1,76 và 1,83 nghìn người so với quý 1/2018. Số người không có bằng cấp tìm việc chiếm 22,3%, tăng 2,1 nghìn người so với quý 1/2018. Theo nhóm nghề, “kế toán-kiểm toán” và “nhân sự” có số lượt người tìm việc tăng cao hơn so với quý 1/2018; tương ứng tăng 2,2 nghìn người và 1,1 nghìn người. Nhóm“lao động phổ thông” cũng có số lượt người tìm việc tăng lên so với quý 1/2018 (tăng 0,5 nghìn người).

Giới thiệu việc làm qua các TTDVVL ngành LĐTBXH: Trong quý 2/2018, các Trung tâm DVVL ngành LĐTBXH quản lý đã tổ chức được 291 phiên giao dịch việc làm. Số được tư vấn, giới thiệu việc làm là 729.466 lượt người (tăng 8.999 lượt người so với quý 1/2018 và tăng 228 lượt người so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 237.338 lượt người nhận được việc làm, chiếm 32,54% số được tư vấn, giới thiệu (tăng 3.233 lượt người so với quý 1/2018 và tăng 438 lượt người so với cùng kỳ năm 2017). Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: Số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết quý 2/2018 là 336 doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước: 15; công ty cổ phần: 256; công ty TNHH: 65). Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quý 2/2018 là 34.068 lao động (34,08% lao động nữ). Trong đó, thị trường Đài Loan:

Về tình hình tham gia Bảo hiểm xã hội, tính đến ngày 30/6/2018, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là 14.080 nghìn người, tăng 160 nghìn người, tương ứng tăng 1,15% so với quý 1 năm 2018; trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 13.860 nghìn người, tăng 1,32% so với quý 1 năm 2018; số người tham gia BHXH tự nguyện là 220 nghìn người, giảm 20 nghìn người so với quý 1 năm 2018.

Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động là 25,54%. 18.013 lao động (52,87%), Nhật Bản: 11.700 lao động (34,34%), Hàn Quốc: 2.168 lao động (6,36%), Ả rập – Xê út: 658 lao động (1,93%), và các thị trường khác là 1.529 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 60.806 lao động (36,02% lao động nữ), tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2017.

Bảo hiểm thất nghiệp: Quý 2/2018, cả nước có 202.219 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 7,4% (13.872 người) so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 70,0% (83.264 người) so với quý 1/2018 cho thấy tình hình lao động có nhiều biến động. Nguyên nhân thất nghiệp: 38,9% do hết hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; 35,6% do đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; 5,1% do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; 2,3% do bị xử lý kỷ luật, bị sa thải và 18,2% do những nguyên nhân khác.

Tình hình giải quyết các chế độ BHXH: Tính đến ngày 30/6/2018, toàn quốc có 8,4 triệu lượt người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (trong đó: khoảng 3,2 triệu lượt người đang hưởng chế độ BHXH hàng tháng; 376.429 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần và 4.850.160 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tính đến ngày 30/6/2018, ước số chi BHXH là 96.691 tỷ đồng, trong đó: chi BHXH từ nguồn Ngân sách 22.072 tỷ đồng và chi BHXH từ Quỹ BHXH là 74.619 tỷ đồng. Quý 3/2018, những nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 là 7,02%.

Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp sẽ là những yếu tố tác động đến cấu trúc thị trường lao động.

Về triển vọng thị trường lao động quý 3/2018, dự báo tổng số lao động có việc làm đạt khoảng 54,26 triệu người, tăng 237 nghìn người (0,44%) so với quý 2/2018 và tăng 0,91% so với cùng kỳ năm 2017. Một số ngành tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Thoát nước và xử lý nước thải. Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm như: nông lâm thủy sản; Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; Khai khoáng khác; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; Sản xuất xe có động cơ; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây