Chương trình hành động của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ xiii của Đảng

1843

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

***

Số:  26  -CTr/TWĐTN-VP

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Hà Nội, ngày   19    tháng 5 năm 2021

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

————

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp bộ Đoàn trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

2. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoãi bão, khát vọng vươn lên trong thanh thiếu nhi. Chăm lo, phát triển thanh thiếu nhi và phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

3. Chương trình hành động phải được thực hiện sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn, có sự lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo thanh thiếu nhi. Các chương trình, hoạt động triển khai bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU

Trong năm 2021, 100% cán bộ Đoàn, đoàn viên được nghiên cứu, học tập, quán triệt về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ít nhất 80% thanh niên được tuyên truyền, giới thiệu các nội dung trọng tâm của Nghị quyết.

Hỗ trợ vay vốn 15.000 tỷ đồng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế.

Hỗ trợ 7.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên.

Hằng năm, 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức ít nhất 01 hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trồng mới 100 triệu cây xanh.

Hằng năm, tổ chức Đoàn tư vấn hướng nghiệp cho ít nhất 2.000.000 lượt thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho ít nhất 300.000 thanh niên.

Hằng năm, hỗ trợ triển khai, hiện thực hóa 50.000 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên.

100% Đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng và duy trì hoạt động được ít nhất 01 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh thiếu niên yếu thế.

100% các xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho thiếu nhi.

Hằng năm, hỗ trợ và giúp đỡ được cho ít nhất 1.000.000 thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

100% các tỉnh thành đoàn, đoàn trực thuộc hằng năm có hoạt động nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

Kết nạp 05 triệu đoàn viên, tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên đạt trên 65%.

Giới thiệu 01 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó phấn đấu ít nhất 700 nghìn đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Chương trình 1: Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

– Mục tiêu: Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc; có đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

– Nội dung và giải pháp:

1.1. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên.

1.2. Triển khai Kế hoạch số 321-KH/TWĐTN-BTG ngày 20/10/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, giai đoạn 2020 – 2025.

1.3. Tổ chức các hoạt động, dự án, chương trình để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm độc hại; vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan; xây dựng lối sống văn minh, tuân thủ pháp luật; thành lập và duy trì hoạt động của các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng các cấp.

1.4. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam các cấp. Tổ chức các chương trình về nguồn, hành trình đến với địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ vào dịp 27/7 hằng năm. Xây dựng bản đồ số, số hoá các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ,…

1.5. Cụ thể hoá cuộc vận động “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, tổ chức các chương trình nêu gương người tốt, việc tốt như: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Tuổi trẻ Việt Nam – Những câu chuyện đẹp”,“Việc tốt mỗi ngày”, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường”. Tổ chức tuyên dương và có hình thức phát huy, lan toả trong thanh thiếu nhi, trong xã hội các điển hình tiên tiến. Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội tham gia công tác giáo dục đạo đức, lối sống và định hướng giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

1.6. Triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Định kỳ tổ chức tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác các cấp và các phần thưởng, giải thưởng khác của Đoàn trên các lĩnh vực.

1.7. Nhân rộng các hình thức thi, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng internet. Định kỳ 2 năm/lần tổ chức Hội thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thành lập, duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Lý luận trẻ các cấp.

1.8. Tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên; tổ chức các câu lạc bộ, đội nhóm,… về văn hoá dân gian, văn học nghệ thuật trong cộng đồng, trường học.

1.9. Triển khai chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn”, “Đọc sách vì tương lai” và các chương trình, hoạt động phát huy văn hóa đọc, phấn đấu mỗi đoàn viên là một công dân học tập. Xuất bản các đầu sách giáo dục lý tưởng cách mạng, trang bị giá trị sống, kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi theo hướng trẻ trung, hiện đại, bắt nhịp với thị hiếu, xu hướng mới của giới trẻ.

1.10. Thành lập các câu lạc bộ gia đình trẻ; bồi dưỡng kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cho thanh niên; tổ chức các ngày hội gia đình trẻ.

2. Chương trình 2: Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ; phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ; thúc đẩy học tập và sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin; tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số

– Mục tiêu: Tham gia kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để thanh niên tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp, lao động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, phát huy tài năng trẻ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021 – 2026, định hướng 2030, tầm nhìn 2045.

– Nội dung và giải pháp:

2.1. Tạo môi trường khuyến khích thanh niên đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, nhất là các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và trong các lĩnh vực của đời sống.

2.2. Triển khai hiệu quả chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”. Phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng; tổ chức Sàn giao dịch ý tưởng khởi nghiệp. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiện thực hóa, thương mại hoá các ý tưởng sáng tạo.

2.3. Khuyến khích thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại. Định kỳ tổ chức đối thoại, diễn đàn gặp gỡ giữa doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam định kỳ hằng năm tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.

2.4. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế. Thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

2.5. Thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển kinh tế như: tổ hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên; câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế. Triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, kết nối đầu ra sản phẩm. Các tỉnh, thành đoàn tổ chức triển lãm, hội chợ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên hằng năm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm do thanh niên sản xuất.

2.6. Mở rộng các hình thức tuyên dương, tôn vinh thanh niên có thành tích xuất sắc trong học nghề, lập nghiệp. Định kỳ tuyên dương Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, giải thưởng “Lương Định Của”, “Sao đỏ”, “Sao vàng Đất Việt”, “Người thợ trẻ giỏi”,…

2.7. Phát triển các câu lạc bộ, các cuộc thi, ngày hội, sinh hoạt đội, nhóm về công nghệ số, chuyển đổi số; tổ chức các chương trình, diễn đàn… thực hành, công nghệ số trong thanh thiếu nhi. Nâng cao năng lực số cho thanh niên; tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên; chuyển đổi số trong hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.

2.8. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, Quỹ hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính. Đẩy mạnh tập hợp, kết nối, phát huy tài năng trẻ; tham mưu, đề xuất chính sách phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ.

2.9. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tổ chức các hoạt động để để thực hiện các biện pháp nâng cao tầm vóc, thể lực của thanh niên Việt Nam.

3. Chương trình 3: Tham gia phát triển xã hội bền vững; bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh

– Mục tiêu: Phát huy thanh thiếu niên tham gia phát triển xã hội bền vững; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Huy động đông đảo thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Nội dung và giải pháp:

3.1. Biên soạn các tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông và tổ chức hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Thành lập các đội hình tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân địa phương thay đổi hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt gây hại đối với môi trường.

3.2. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giám sát, tố giác các hoạt động vi phạm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

3.3. Triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”,Hãy làm sạch biển”, mô hình “Đảo Thanh niên xanh không rác thải nhựa”. Xây dựng các mô hình điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình bể chứa nước, bể lọc nước… cho đoàn viên, thanh niên và người dân tại các khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lũ; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

3.4. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh, đặc biệt là khi có đại dịch xảy ra. Đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ triển khai sáng kiến vào thực tế.

3.5. Tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương; triển khai các chương trình tiếp sức đến trường, tiếp sức người bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

4. Chương trình 4: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên về đảm bảo quốc phòng, an ninh; xung kích tham gia bảo vệ Tổ quốc

– Mục tiêu: Đoàn viên, thanh thiếu nhi nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động tham gia thực hiện Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

– Nội dung và giải pháp:

          4.1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiểu biết, nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.

4.2. Tổ chức các hoạt động cho đoàn viên thanh niên tham gia và nhận thức rõ vai trò của biên giới trên đất liền, biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo. Đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, các chương trình, đề án tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

4.3. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, biển, đảo”, tổ chức chương trình “Tháng ba biên giới”, “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, “Tuổi trẻ vì biển đảo Tổ quốc”, xây dựng Đảo Thanh niên. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ sở đoàn với lực lượng biên phòng; tăng cường các hoạt động giúp đỡ gia đình, thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, biển đảo.

          4.4. Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tham gia bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng.

          4.5. Tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng nhập ngũ, tham gia các lực lượng vũ trang. Tuyên truyền, vận động thanh niên làm lực lượng xung kích trong thực hiện chiến lược xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân.

4.6. Xây dựng và duy trì hoạt động mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Khu phố không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” trên địa bàn; các câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tuổi trẻ với phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”, “Bạn giúp bạn”, “Ánh sáng và niềm tin” và tổ chức các hoạt động giúp đỡ thanh niên hoàn lương…

5. Chương trình 5: Chăm lo, giáo dục, bồi dưỡngbảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng

– Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, hành động và xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên; của mỗi cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, bảo vệ trẻ em, thiếu niên và nhi đồng nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em, thiếu niên và nhi đồng.

– Nội dung và giải pháp:

5.1. Triển khai hiệu quả phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống… phù hợp với từng nhóm tuổi thiếu niên, nhi đồng ở các địa bàn khác nhau. Định kỳ tổ chức Đại hội hoặc Lễ tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ (cấp Liên đội vào cuối năm học; cấp huyện 5 năm 2 lần, cấp tỉnh 5 năm 1-2 lần và cấp toàn quốc 5 năm 1 lần). Triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, trải nghiệm sáng tạo cho thiếu nhi giai đoạn 2021 – 2030. Hằng năm tổ chức trại hè thiếu nhi các cấp; quản lý và định hướng tốt các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi.

5.2. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp triển khai Kế hoạch thực hiện Luật Trẻ em 2016. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện tốt các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em như: “Phiên họp Quốc hội trẻ em”,“Hội đồng trẻ em”, Diễn đàn trẻ em, Câu lạc bộ Quyền trẻ em…

5.3. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trẻ em và tham gia giải quyết, xử lý và lên tiếng trước các hành vi xâm hại trẻ em, các vụ việc liên quan đến trẻ em. Hằng năm, tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra liên ngành làm việc với Ủy ban nhân dân các cấp về thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng cho thiếu nhi những kỹ năng phòng, chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân và bạn bè của mình. Phối hợp thực hiện các dự án bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

          5.4. Nâng cao chất lượng tổ chức Đội và đội viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chỉ huy đội; bồi dưỡng phát triển đội viên lớn lên Đoàn; củng cố và nâng cao chất lượng công tác nhi đồng; công tác cán bộ phụ trách Đội.

6. Chương trình 6: Nâng cao hiệu quả công tác quốc tế thanh niên; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

– Mục tiêu: Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế thanh niên được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho thanh thiếu nhi Việt Nam và các nước. Năng lực hội nhập quốc tế của cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ được nâng lên, tạo môi trường, điều kiện hình thành lớp công dân toàn cầu; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, khai thác các nguồn lực quốc tế, phát huy lực lượng thanh niên ngoài nước ngày càng hiệu quả.

– Nội dung và giải pháp:

6.1. Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của thanh niên giai đoạn hiện nay như: hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, phát triển kỹ năng thanh niên, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

6.2. Phối hợp các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên cung cấp các thông tin về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Cộng đồng chung ASEAN, tình hình Biển Đông, tình hình khu vực và thế giới cho thanh thiếu nhi. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng thanh thiếu nhi: infographic, motiongraphic, clip ngắn,…

6.3. Định kỳ hằng năm tổ chức các hội thi ngoại ngữ dành cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên; tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ, kỹ năng tại các cấp bộ Đoàn, Hội. Phối hợp tổ chức các hình thức thúc đẩy việc học ngoại ngữ trên không gian mạng cho thanh thiếu nhi: phối hợp hỗ trợ khoá học miễn phí; giới thiệu các địa chỉ học uy tín; tổ chức các diễn đàn trao đổi, rèn luyện ngoại ngữ…

 6.4. Hằng năm, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng đối ngoại thanh niên cho cán bộ Đoàn, Hội các cấp. Định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ các tỉnh thành đoàn, đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động quốc tế thanh niên. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu quốc tế thanh niên; hằng tháng, quý ban hành bản tin quốc tế thanh niên trong hệ thống Đoàn, Hội. Xây dựng, cập nhật bộ sản phẩm tuyên tuyền đối ngoại.

6.5. Củng cố, kết nối, định hướng hoạt động cho các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước, tập trung vào các hoạt động như hỗ trợ lưu học sinh trong học tập, nghiên cứu khoa học, đời sống, việc làm; giới thiệu, quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế; dạy tiếng Việt cho trẻ em kiều bào; các hoạt động tình nguyện hướng về quê hương, đất nước. Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối, hỗ trợ du học sinh nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. Vận động, kết nối trí thức trẻ Việt Nam ở ngoài nước tổ chức các hoạt động hướng về Tổ quốc.

6.6. Khai thác các dự án, nguồn lực phục vụ cho phong trào thanh thiếu nhi, tập trung các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng thanh niên, đào tạo lãnh đạo trẻ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

7. Chương trình 7: Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh

– Mục tiêu: Xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và hành động, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên. Lấy chất lượng cán bộ đoàn là trọng tâm, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn là đột phá; tiếp tục nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của Đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư.

– Nội dung và giải pháp:

7.1. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thành viên tập thể của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Triển khai hiệu quả chủ trương mỗi đoàn viên giúp đỡ ít nhất một thanh niên tham gia Đoàn, Hội (chủ trương 1+1).

7.2. Đẩy mạnh việc kết nối, thu hút thanh niên trên không gian mạng. Đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền; phát triển các nền tảng ứng dụng, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các cấp bộ Đoàn, tạo thành hệ không gian sinh hoạt phù hợp với nhu cầu, sở thích của thanh niên.

7.3. Tổ chức các hoạt động tập hợp, hỗ trợ, chăm lo và nắm bắt tình hình thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo, thanh niên các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên khuyết tật và thanh niên Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cốt cán trong lực lượng này.

7.4. Tập trung phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo ngành nghề, sở thích tại các địa bàn chưa có cơ sở Đoàn, Hội phù hợp với tình hình thực tế địa bàn, khu vực và bản sắc tín ngưỡng, điều kiện, hoàn cảnh của thanh niên.

7.5. Tiếp cận, hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên ở khu vực đặc thù, thanh niên yếu thế.

7.6. Củng cố tổ chức, chấn chỉnh hoạt động Hội cấp huyện, cấp cơ sở. Thành lập tổ chức Đoàn, Hội, trước hết đối với các doanh nghiệp là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội đã được thành lập trong các doanh nghiệp. Thường xuyên giữ liên hệ, hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam, các tổ chức Hội Sinh viên, các Ban cán sự Đoàn ở nước ngoài.

7.7. Đổi mới một số mô hình tổ chức đoàn như: thành lập các chi đoàn khu chung cư; phát triển tổ chức Đoàn tại nơi cư trú của lao động nhập cư (khu nhà trọ), nhà lưu trú công nhân. Xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”, chi đoàn mạnh. Tổ chức bình chọn và tuyên dương Chi đoàn mạnh, Bí thư chi đoàn giỏi các cấp. Nghiên cứu đề xuất phương án đổi mới tổ chức, bộ máy của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phù hợp với tình hình mới.

7.8. Triển khai Chương trình rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2018 – 2022 phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Duy trì, đổi mới nâng cao chất lượng việc tổ chức “Ngày đoàn viên” tại những nơi có đoàn viên nhưng chưa có tổ chức Đoàn. Hằng năm tổ chức các Ngày hội thanh niên trong các khối đối tượng thanh niên.

Chương trình 8: Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham vấn chính sách.

– Mục tiêu: Bồi dưỡng, tạo nguồn và nâng cao chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; tạo nguồn cán bộ trẻ cho cấp ủy đảng, chính quyền, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng; tích cực tham gia công tác xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị.

– Nội dung và giải pháp:

8.1. Triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, lựa chọn đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn và nâng cao chất lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Kịp thời theo dõi, thống kê, có giải pháp phù hợp hằng năm để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giới thiệu 01 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đảm bảo ít nhất 700 nghìn đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú.

8.2. Tham mưu cấp ủy đảng tổ chức đối thoại với đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú. Hằng năm, các cơ sở đoàn tham mưu tổ chức diễn đàn “Thanh niên với Đảng – Đảng với thanh niên”; chủ động tham mưu, trao danh sách đoàn viên ưu tú cho cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp.

8.3. Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ học tập lý luận chính trị, rèn luyện tác phong, lề lối công tác của cán bộ Đoàn các cấp. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ thông qua thực tiễn hoạt động phong trào; thực hiện nghiêm túc chủ trương “1+2”.

8.4. Tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện và chính sách cho cán bộ Đoàn cơ sở, chi đoàn hoạt động; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, kiến thức kinh tế, xã hội. Tham mưu tổ chức tuyển dụng, thu hút sinh viên giỏi, xuất sắc, tài năng trẻ vào các vị trí phù hợp trong hệ thống tổ chức Đoàn.

8.5. Chủ động đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn để quy hoạch, giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ, cơ quan nhà nước các cấp bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và trẻ hoá đội ngũ cán bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ là nữ, người dân tộc thiểu số.

8.6. Nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Quy chế cán bộ Đoàn.

8.7. Tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham vấn chính sách và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; phối hợp cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030. Tăng cường việc thực hiện giám sát chính sách pháp luật đối với thanh niên; thực hiện giám sát theo chuyên đề hằng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

1.1. Ban Tuyên giáo

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 1, chương trình 4 và chỉ tiêu 1.

– Xây dựng và ban hành kế hoạch, hướng dẫn và biên soạn, cung cấp các tài liệu tuyên truyền, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị của tuổi trẻ cả nước nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

– Định kỳ 5 năm/2 lần tổ chức Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

– Định kỳ 01 năm/lần tổ chức hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên và giao ban dư luận xã hội cấp Trung ương; 01 năm/2 lần tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố. Tổ chức Liên hoan báo cáo viên toàn quốc lần thứ III (năm 2022), lần thứ IV (năm 2025).

– Định kỳ hằng năm tổ chức Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”.

– Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2021 – 2030”; Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, giai đoạn 2021 – 2030”; Đề án “Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 – 2025”.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018 – 2022”; Đề án “Phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, giai đoạn 2018 – 2022”; Kết luận về việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025 giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

– Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

1.2. Ban Tổ chức

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 7, chương trình 8 và chỉ tiêu 12, 13.

– Định kỳ hằng năm tổ chức trao Giải thưởng Lý Tự Trọng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội giai đoạn 2018 – 2022”; Kết luận về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ Đoàn giai đoạn 2019 – 2022; Kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, giai đoạn 2019 – 2022.

– Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội giai đoạn 2021 – 2025”.

– Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án thu hút cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành từ cơ sở tham gia công tác tại cơ quan Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp; Đề án Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đoàn viên giai đoạn 2021 – 2026.

1.3. Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên – Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 2 và chỉ tiêu 2, 3, 8.

– Cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động này và hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

– Định kỳ hằng năm tổ chức Diễn đàn “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu”, Hành trình “Thanh niên khởi nghiệp”, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”. Định kỳ 02 năm/lần tổ chức Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”.

– Định kỳ 01 năm/lần tổ chức tuyên dương gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh toàn quốc.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2017 – 2021”; Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022; Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2019 – 2022.

– Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án khởi nghiệp của thanh niên.

1.4. Ban Thanh niên trường học – Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam

– Tham mưu, triển khai các nội dung, giải pháp nhằm thúc đẩy học tập và sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong học sinh, sinh viên.

– Cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động này và hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Hội Sinh viên Việt Nam.

– Định kỳ 02 năm/lần tổ chức cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, Hội thi “Ánh sáng soi đường” toàn quốc. Hằng năm tổ chức trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương.

– Định kỳ tổ chức chương trình “Khát vọng trẻ”, “Tuổi trẻ Việt Nam – Câu chuyện hòa bình”, “Sinh viên Việt Nam với biển, đảo”.

– Thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chương trình phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025.

1.5. Ban Công tác thiếu nhi – Thường trực Hội đồng Đội Trung ương

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 5 và chỉ tiêu 9, 10.

– Cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động này và hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Hội đồng Đội các cấp.

– Định kỳ tổ chức cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”, Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò, giải thưởng Cây bút tuổi hồng toàn quốc.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2018 – 2022”; Kết luận về nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018 – 2022.

– Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em”; Đề án “Hỗ trợ trang thiết bị cho các Nhà thiếu nhi khu vực, địa bàn khó khăn”.

1.6. Ban Thanh niên công nhân và đô thị

– Tham mưu, triển khai các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ; phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ; tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số. Tham mưu, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 6, 7.

– Hằng năm tổ chức xét tặng giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc. Định kỳ 2 năm/lần tổ chức Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc.

– Phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025”.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 – 2022”; Kết luận về các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu nhi.

1.7. Ban Thanh niên nông thôn

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 3 và chỉ tiêu 4, 5.

– Định kỳ hằng năm tổ chức trao tặng giải thưởng “Lương Định Của”, Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” toàn quốc.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2018 – 2022”; Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 – 2022”.

1.8. Ban Thanh niên xung phong

– Tham mưu, triển khai các nội dung, giải pháp phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh khu vực biên giới, biển, đảo.

– Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng cầu giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025”.

1.9. Ban Quốc tế

– Chủ trì tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung và giải pháp của Chương trình 6, chỉ tiêu 11.

– Triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào giai đoạn 2020 – 2025”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào và Hội Liên hiệp thanh niên Campuchia”; Đề án Nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022.

– Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực tiếng Anh và kĩ năng hội nhập quốc tế cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030”.

1.10. Văn phòng

– Cụ thể hóa các nội dung liên quan gắn với chương trình công tác hằng năm của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

– Tiếp tục thực hiện Đề án “Quy hoạch các khu di tích lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP Hồ Chí Minh”.

– Phối hợp với Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn tham mưu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động này.

2. Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc

– Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo kế hoạch của Trung ương Đoàn.

– Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Chương trình hành động này gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các chương trình, đề án đang triển khai thực hiện.

– Chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác thanh niên và chiến lược phát triển thanh niên ở địa phương, đơn vị.

– Báo cáo định kỳ việc triển khai Chương trình hành động này gắn với báo cáo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

TM. BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

Nơi nhận:

– Ban Bí thư TW Đảng;

– Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên BCT,

  Thường trực Ban Bí thư TW Đảng;

– Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài,

  Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW;

– Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa,

  Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW;

– Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư TW Đảng,

  Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam;

– Đồng chí Hoàng Đăng Quang,

  Ủy viên BCH TW Đảng,

  Phó Trưởng Ban Tổ chức TW;

– Đồng chí Nguyễn Phước Lộc,

  Phó Trưởng Ban Dân vận TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của đảng;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán nhà nước;

– Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;

– Ngân hàng Chính sách xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố

   trực thuộc trung ương;

– Các đồng chí UVBCH, UBKT TW Đoàn;

– Các ban, đơn vị thuộc TW Đoàn;

– Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc;

– Lưu VP.

  Bí thư THỨ NHẤT

              

      Đã ký

 

Nguyễn Anh Tuấn

 

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây