Chức năng nhiệm vụ phòng đào tạo

2002

1. Chức năng:

Tham mưu cho Giám đốc về chiến lược, kế hoạch công tác tuyển sinh; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm; lập kế hoạch, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghề, kỹ năng nghề nghiệp; quản lý và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm; công tác quản lý học viên.

 

2. Nhiệm vụ:

 Tuyển sinh:

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh hàng năm hệ đào tạo chính quy và hệ đào tạo thường xuyên;

+ Tìm hiểu thị trường lao động và kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở SXKD để triển khai đào tạo nghề và bồi dưỡng tay nghề theo nhu cầu;

+ Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trung tâm tổ chức tuyển sinh thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp theo chuyên đề;

+ Tổ chức tuyển sinh các hệ từ khâu lên kế hoạch, tiếp nhận hồ sơ, xét tuyển, triệu tập học viên; ra quyết định thành lập các lớp của các khoá đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm.

Quy hoạch, kế hoạch phát triển và Quản lý đào tạo, bồi dưỡng:

+ Tổ chức nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu và dự báo chiến lược phát triển đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng kế hoạch phát triển đào tạo, bồi dưỡng nghề ở trình độ sơ cấp nghề; đào tạo, bồi dưỡng nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;

+ Đánh giá tính phù hợp của sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội để có cơ sở điều chỉnh, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Theo dõi và đề xuất giải quyết các điều kiện phục vụ cho tiến trình đổi mới, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất và xã hội;

+ Phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, cơ cấu kiến thức và phương pháp giảng dạy; tổ chức điều tra, khảo sát thu thập thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động về chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học nghề tại trung tâm sau khi tốt nghiệp; thông tin phản hồi đánh giá sự phù hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm với nhu cầu xã hội;

+ Xây dựng kế hoạch, nội dung hợp tác, liên kết đào tạo và bồi dưỡng với các cơ quan, đơn vị và cá nhân ngoài trung tâm;

 + Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết đào tạo nghề gắn với thực hành sản xuất và giải quyết việc làm tại các cơ sở SXKD và Doanh nghiệp;

+ Quản lý và tổ chức thực hiện quá trình giảng dạy, học tập đảm bảo chất lượng và đúng các quy chế, quy định hiện hành của Nhà nước và Trung tâm;

+ Đánh giá công tác giảng dạy của giáo viên. Đề xuất hướng giải quyết với Ban Giám đốc nhằm không ngừng hoàn thiện công tác quản lý giảng dạy, học tập của các hệ đào tạo, bồi dưỡng trong toàn trung tâm;

+ Kiểm tra việc thực hiện nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng do trung tâm ban hành đối với từng giáo viên;

+ Kết hợp với các đơn vị trong trung tâm sử dụng hợp lý hiệu quả các phòng học, xưởng thực hành;

+ Quản lý và lưu trữ hồ sơ học viên, điểm thi, bài kiểm tra học phần, bài thi tốt nghiệp theo các quy định. Thống kê, cập nhật danh sách học viên tăng, giảm hàng tháng, hàng quí và hàng năm, phối hợp với giáo viên nhận xét, đánh giá học viên;

+ Phổ biến các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến học viên; tổ chức quản lý kết quả học tập và cấp phát chứng chỉ tốt nghiệp theo qui chế đào tạo nghề và quy định của trung tâm; 

+ Thực hiện các công việc giáo vụ gồm: lập các biểu bảng về công tác giáo vụ, dạy và học, thực hành, thực tập nghề; theo dõi, tổng hợp, đánh giá chất lượng các hoạt động dạy nghề; thống kê, làm báo cáo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, của cơ quan quản lý các cấp và của Giám đốc trung tâm.

Nội dung chương trình, tổ chức đào tạo và bồi dưỡng:

+ Chuẩn bị hồ sơ đăng ký xin cấp phép mở nghề đào tạo theo quy định và đề xuất việc mở các khoá học, lớp học trong toàn trung tâm;

+ Thường trực Hội đồng thẩm định chương trình, giáo trình cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm; đề xuất Giám đốc phê duyệt và ban hành chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghề và kỹ năng nghề nghiệp của Trung tâm.

+ Phối hợp với các Tổ bộ môn nghiên cứu đổi mới các chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế;

+ Đầu mối xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác với cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để giúp học viên của trung tâm tham quan, thực tập, thực hành, tiếp cận môi trường làm việc thực tế và các thiết bị, công nghệ mới để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn gắn liền với thực tiễn lao động sản xuất và công tác tuyển dụng học viên chuẩn bị tốt nghiệp;

+ Lập kế hoạch, tiến độ đào tạo, thời khoá biểu và quản lý kế hoạch giáo viên; tổ chức giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm và các lớp liên kết đào tạo, bồi dưỡng;

+ Phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài trung tâm tổ chức đào tạo nghề hoặc bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, bổ sung kiến thức thực tiễn, hội thi tay nghề…theo yêu cầu tại các Doanh nghiệp; quản lý và tổ chức thực hiện các hợp đồng liên kết, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng;

+ Tổ chức dự giờ, hội giảng và thi học sinh giỏi hệ học nghề chính quy; dự kiến danh sách khen thưởng về học tập của học viên hệ học nghề chính quy;

+ Tổ chức chuẩn bị nội dung các cuộc họp của hội đồng tuyển sinh, tốt nghiệp, hội đồng sư phạm…; tổ chức khai giảng, bế giảng và lễ tốt nghiệp cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Quản lý học viên:

+ Theo dõi, đánh giá ý thức học tập và rèn luyện của học viên; tổ chức triển khai công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học viên; các hoạt động giáo dục truyền thống, văn hoá; phòng, chống các tệ nạn xã hội, công tác phòng chống ma tuý trường học; giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học viên;

+ Tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động ngoài giờ khác đối với học viên học tập trung tại trung tâm; phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trung tâm trong các hoạt động phong trào của học viên, tạo điều kiện cho học viên có môi trường rèn luyện, phấn đấu;

+ Kiến nghị biểu dương khen thưởng tập thể và cá nhân học viên, kiến nghị các hình thức kỷ luật, giải quyết các thủ tục hành chính đối với học viên khi cho thôi học, buộc thôi học, đình chỉ học tập;

+ Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các trường hợp học viên không đủ sức khoẻ học tập, ốm đau, tai nạn rủi ro;

+ Cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, kế hoạch hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – TB&XH để ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách của nhà nước quy định đối với học viên về học phí, trợ cấp xã hội, và các chế độ khác có liên quan đến học viên trình Giám đốc phê duyệt;

+ Tư vấn cho học viên trong việc học tập, sinh hoạt; tạo điều kiện giúp đỡ học viên khuyết tật, học viên diện chính sách, học viên có hoàn cảnh khó khăn;

+ Phối hợp với lực lượng bảo vệ Trung tâm, các ngành, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn của trung tâm đóng và nơi Trung tâm có tổ chức lớp học để xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn cho học viên; giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến học viên;

+ Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình thực hiện các quy định, nghĩa vụ công dân của học viên nơi cư trú.

Các công việc khác:

+ Tiếp nhận và xử lý các loại đơn từ, hồ sơ, công văn… liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và các giấy tờ khác của học viên thuộc thẩm quyền của trung tâm;

+ Thường trực Hội đồng tuyển sinh, tốt nghiệp, xét ngừng học, thôi học; đối chiếu xác nhận giờ giảng của giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng;

+  Đầu mối quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng và mở rộng quan hệ với các cơ quan đơn vị bên ngoài về công tác đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức và phục vụ các hội nghị, lễ hội thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng trong trung tâm;

+ Tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản (quy định, hướng dẫn) giúp Giám đốc quản lý các hoạt động của trung tâm có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Phòng; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản ký kết hợp tác, liên kết trong lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của Phòng.

+ Quản lý lưu trữ đầy đủ hồ sơ, văn bản, giấy tờ… của quá trình thực hiện các nhiệm vụ của phòng theo đúng các quy định của Nhà nước và quy định của trung tâm; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của Trung tâm;

+ Quản lý và sử dụng có hiệu quả lao động, cơ sở vật chất và các phương tiện, thiết bị được trung tâm giao.

Thực hiện các nhiệm vụ  khác theo sự phân công của Giám đốc.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây